3 mô hình thương mại điện tử điển hình ở Việt Nam

Mô hình B2B

B2B (Business to Business): được hiểu là Thương mại điện tử giữa (TMĐT)casc doanh nghiệp, là mối quan hệ mua bán giữa các doanh nghiệp với nhau. Mô hình này chiếm tới trên 80% doanh số TMĐT trên toàn cầu. Mô hình B2B được rất nhiều doanh nghiệp ưu chuộng bởi những lợi ích của nó như giảm chi phí về việc nghiên cứu thị trường, marketing hiệu quả, độ nhận diện cao, tăng cơ hội hợp tác giữa nhiều doanh nghiệp với nhau, tạo ra một thị trường đa dạng mặt hàng và các bên tham giá. Các doanh nghiệp có thể chào hàng, tìm kiếm bạn hàng, đặt hàng, ký kết hợp đồng, thanh toán qua hệ thống này. Mô hình này đã giúp hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong việc kinh doanh nhất là kinh doanh quốc tế.

Có 4 mô hình B2B thường gặp là:

– Mô hình B2B chủ yếu thiên về bên mua

– Mô hình B2B chủ yếu thiên về bên bán

– Mô hình B2B dạng trung gian

– Loại hình thương mại hợp tác

Một trong những mô hình B2B điển hình trên thế giới đã thành công là Alibaba.com của Trung Quốc. Còn ở Việt nam có cvn.com  (Bộ công thương); vietnamesemade.com; Vietgo.vn; Bizviet.net…

Sơ đồ Mô hình B2B

Mô hình B2C

B2C (Business to Consumer): được hiểu là thương mại giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng, nói cách khác là việc mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua mạng internet.

Sơ đồ mô hình B2C

Các dạng B2C chính ở Việt Nam:

– Website TMĐT: là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng.

– Sàn giao dịch TMĐT: là website TMĐT cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân (không phải chủ sở hữu website) tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

– Website khuyến mại trực tuyến: là website TMĐT do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác (ví dụ như website chia sẻ mã giảm giá, voucher…)

– Website đấu giá trực tuyến: là website TMĐT cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân (không phải chủ sở hữu website) tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.

Ở nước ta, số lượng website TMĐT chiếm hơn 94% được xem là đại diện cho phần lớn các hoạt động thương mại trực tuyến. Các loại hình website còn lại chiếm tỉ trọng rất nhỏ, không đáng kể.

Một trong những công ty kinh doanh thành công trên thế giới theo mô hình này là Amazon.com, Best Buy, AliExpress… Ở Việt nam có Adayroi, Tiki, Shopee, Sendo…

Hiện nay, Amazon không ship hàng về Việt Nam nên có thể đặt mua giùm qua Fado như là mua tại các sàn TMĐT ở Việt Nam. Như vậy, Fado cũng là một mô hình B2C khá đặc biệt. Tương tự như vậy, bạn có thể đặt mua giùm hàng trên BestBuy qua USExpress.

Mô hình C2C

C2C (Consumer to Consumer): được hiểu là TMĐT giữa các cá nhân và người tiêu dùng với nhau, không phải là doanh nghiệp. Đây là mô hình kinh doanh có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và ngày càng phổ biến. Cụ thể, đây là các Website bán đấu giá trực tuyến, rao vặt trên mạng.

Sơ đồ Mô hình C2C

Một số hoạt động của mô hình C2C:

– Nổi tiếng nhất trong mô hình này là hoạt động đấu giá (mua hàng)

– Giao dịch trao đổi (không sử dụng tiền tệ)

– Giao dịch hỗ trợ (bảo trì, thanh toán trung gian…)

– Bán tài sản ảo (điển hình nhất là game online)

Một trong những thương hiệu thành công nhất theo mô hình này là website đấu giá eBay. Việt Nam có các website hoạt động theo mô hình C2C như chodientu.com; heya.com.vn; 1001shoppings.com…

Bên cạnh đó, loại hình TMĐT M-eCommerce (Mua bán qua các thiết bị di động) hay TMĐT sử dụng tiền ảo cũng đã xuất hiện ở Việt nam. Trong đó M-Commerce được ứng dụng đa dạng trong nhiều loại hình TMĐT và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra còn một số mô hình TMĐT khác nữa nhưng không phổ biến ở nước ta như mô hình B2G (Business to Government): TMĐT giữa doanh nghiệp và chính phủ (khối hành chính công). Loại hình này bao gồm việc sử dụng Internet cho mua bán công, thủ tục cấp phép và các hoạt động có liên quan tới chính phủ.

Gần đây, nhiều website của các nhà sản xuất hoặc phân phối lớn ở nước ta đã tích hợp nhiều chức năng để có thể bán hàng trực tuyến, giống như một trang TMĐT nhưng chuyên về một vài ngành hàng như Juno, Vascara…

Việc phân chia các mô hình thương mại điện tử mang nặng tính giáo trình. Các mô hình thương mại điện tử có thể đan xen, hòa quyện với nhau trong hoạt động của cá nhân, doanh nghiệp. Không nhất thiết phải tách bạch hay phân biệt mộ cách cứng nhắc. Trên thực tế, một doanh nghiệp hay cá đồng thời có thể áp dụng linh hoạt các mô hình nói trên vào hoạt động kinh doanh theo cách thức phù hợp nhất. Vì một doanh nghiệp hay cá nhân có thể vừa tiến hành bán sỉ và bán lẻ. Hoặc có thể sử dụng mô hình B2B làm đầu vào và mô hình B2C, C2C làm đầu ra…