Thấy được hiệu quả to lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn đã mạnh dạn bỏ tiền tỷ đầu tư công nghệ mới.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Mía đường Lam Sơn (Lasuco) nhờ áp dụng công nghệ đã “giải thoát” cho 40 kế toán mà vẫn nắm chắc tình hình trồng mía của nông dân và mọi hoạt động của nhà máy cũng như kế hoạch kinh doanh của Công ty.
Ông Nguyễn Ngọc Nhã Nam – Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Minerva, đơn vị cung cấp công nghệ thông minh này cho Lasuco cho biết, trước kia một năm Lasuco cần đến 40 kế toán để lập sổ sách, kế hoạch thu hoạch, vận chuyển cho từng đội xe, kiểm soát, rà soát công việc liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh của nhà máy và Công ty, nhưng nay những công việc ấy đã được trí tuệ nhân tạo tự động điều phối. Hệ thống này còn dự báo thời điểm có mưa hay không để tính toán kế hoạch thu hoạch mía.
Trong làn sóng công nghệ 4.0, Công ty Lavifood đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để hướng đến hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị khép kín từ cung cấp cây giống, phân bón đến chế biến những sản phẩm nông sản công nghệ cao.
Năm 2017, Công ty đã khởi công xây dựng một nhà máy hiện đại chế biến nông sản với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Ông Phạm Ngọc Ấn – Phó tổng giám đốc Lavifood chia sẻ, cùng với nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, Công ty đưa trí tuệ nhân tạo vào quản lý quy trình trồng trọt (cải tạo đất, tăng năng suất, tăng chất lượng trái cây, rau, củ) để quản lý chất lượng nông sản nguyên liệu cho nhà máy.
Cách chinh phục các “bà mẹ bỉm sữa” millennials trong thời marketing 4.0
Trí tuệ nhân tạo còn được doanh nghiệp sử dụng thông qua robot trong các dây chuyền sản xuất. Cụ thể, Công ty Samsung Việt Nam đã sử dụng đến 6.000 robot trong dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ở Bắc Ninh. Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đầu tư 2.400 tỷ đồng tự động hóa sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng đến đóng gói, đóng thùng sữa và chất lên pallet.
Việc vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm, nhập kho và xuất hàng tại nhà máy đều do robot tự hành đảm nhiệm. Hay như tại nhà máy Vinasoy Bình Dương của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), dây chuyền sản xuất được tự động hóa từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, quy trình đóng gói đều do rotbot thực hiện. Ở các công ty URC, Habeco, CP, rất nhiều robot đã được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất.
Theo ông Huỳnh Phong Phú – Giám đốc bộ phận Robot Công ty ABB, công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh và nhu cầu sử dụng robot vào sản xuất tăng cao tại Việt Nam. Từ năm 2015 trở về trước, mỗi năm có khoảng 200 – 300 robot do ABB kinh doanh được tiêu thụ tại Việt Nam nhưng năm 2016 đã tăng gấp nhiều lần. Số lượng robot của Công ty được tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2017 tương đương năm 2016 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tiền tỷ cho công nghệ
Để có được những ứng dụng thông minh phục vụ sản xuất giúp tăng năng suất, giảm giá thành, từ đó tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp đã dành ngân sách không nhỏ để đầu tư công nghệ. Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) là doanh nghiệp “bạo chi” cho công nghệ 4.0. Tháng 3 vừa qua, Thaco đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy Thaco Mazda với tổng kinh phí xây dựng 12.000 tỷ đồng.
Nhà máy áp dụng hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất. Công ty đã áp dụng phương thức sản xuất thông minh (dây chuyền lắp ráp ô tô do robot đảm nhiệm), xưởng thông minh, hướng tới mục tiêu trở thành nhà máy thông minh.
Chia sẻ tại Hội thảo Doanh nghiệp Việt với cách mạng công nghiệp 4.0 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) thực hiện tuần qua, ông Huỳnh Dũng Sáng – Phó tổng giám đốc Kinh doanh Công ty CP Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal cho biết, xác định công nghệ là giá trị cốt lõi để tăng trưởng nên từ năm 2010, Công ty đã ứng dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất. 3 năm qua, Duhal đã đầu tư 30 triệu USD cho 2 nhà máy ở Tiền Giang và Bến Tre. Với công nghệ mới, đến năm 2020, Duhal sẽ đạt doanh số 250 triệu USD/năm.
Công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế (ICC) đã phát triển mạnh mẽ nhờ công nghệ 4.0. Ông Trịnh Thành Nhơn – Tổng giám đốc ICC chia sẻ, Công ty đã đầu tư rất nhiều kinh phí cho công nghệ mới, trong đó chỉ riêng dây chuyền sản xuất kem đánh răng là gần 50 tỷ đồng. Nhờ công nghệ này, nhà máy chỉ cần 1/3 lượng công nhân nhưng sản lượng đã tăng gấp 3 lần so với trước.
Công ty còn ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng trị giá hơn 4 tỷ đồng. Nhờ công nghệ này, độ phủ sản phẩm của ICC ổn định ở mức 20.000 cửa hàng ở các tỉnh, thành; cùng với đó, doanh số đã tăng 20% so với trước.
“Điều quan trọng không chỉ thể hiện qua doanh số mà chất lượng sản phẩm tăng lên và uy tín thương hiệu của Công ty ngày càng được khẳng định”, ông Trịnh Thành Nhơn khẳng định.
Không chia sẻ cụ thể nguồn kinh phí nhưng theo ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit, trong thời đại công nghiệp 4.0, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý mà công nghệ sinh học cũng phải được quan tâm, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm thì công nghệ sinh học rất quan trọng, có thể ứng dụng trong suốt chuỗi giá trị, từ sản xuất nguyên liệu, thu hoạch, chế biến, bảo quản. Khi kết hợp nhiều công nghệ mới, sản phẩm mang tính độc đáo, đột phá sẽ hấp dẫn người tiêu dùng. Nhiều năm nay, Vinamit đã nghiên cứu các công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ sấy đông khô và đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học.
Nhờ sự đầu tư này mà hiện tại, sản phẩm của Vinamit đã được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao, đặc biệt là có những đơn hàng lớn từ Mỹ. Năm 2018, sữa chua đông khô là sản phẩm chủ lực của Vinamit khi kết hợp được 2 ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ sấy đông khô.