Sự tác động của công nghệ số đối với các ngành, các lĩnh vực chính tại Việt Nam

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự kết hợp và ứng dụng công nghệ số trong tất cả các hoạt động tạo ra xu thế nền kinh tế số toàn cầu. Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội cho tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bắt kịp, tiến cùng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Chuyển đổi số là một quá trình giúp doanh nghiệp số hóa, làm việc và lưu chuyển dữ liệu, ứng dụng các thành tựu của khoa học để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 đó là “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Vì vậy, công nghệ số chính là động lực của chuyển đổi số. Sự phát triển của công nghệ số đã chuyển đổi nhiều lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam, từ sản xuất nông nghiệp đến thương mại điện tử, thanh toán điện tử, Chính phủ điện tử, kinh tế, vận tải, tài chính. Bài viết này sẽ trình bày hiện trạng tác động của công nghệ số đối với các ngành, các lĩnh vực chính tại Việt Nam.

Sự bùng nổ của các công nghệ mới nổi tại Việt Nam

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) chính là làn sóng tiếp theo, có thể là làn sóng mạnh mẽ nhất, làn sóng của chuyển đổi số và trực tuyến. Cuộc CMCN 4.0 này sẽ làm thay đổi cấu trúc và động lực của nhiều ngành công nghiệp thông qua ứng dụng tự động hóa nhiều hơn, hệ thống không gian mạng thực tế – ảo, phân tích dữ liệu lớn, mạng lưới cảm biến, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật.

Hiện nay, điện thoại thông minh, máy vi tính chứa cả ngàn tính năng tiện lợi để thực hiện việc liên lạc, giao dịch, quản lý, điều khiển từ xa. Việc ứng dụng các công nghệ mới vừa tiết kiệm nhân lực, tài chính, thời gian, vừa hiện đại tiện lợi và giá thành thấp, thị trường rộng mở và cạnh tranh. Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp, cá nhân tham gia thị trường có sự phát triển vượt trội. Việt Nam đã đi đầu trong việc ứng dụng các dịch vụ Internet tốc độ cao, các thiết bị và điện thoại thông minh kể từ năm 2003, vượt tỷ lệ xa so với các nước như Pakistan, Ấn Độ và Indonesia. Vào giữa năm 2018, Việt Nam ước tính có khoảng 30.000 doanh nghiệp phần cứng, phần mềm và nội dung số. Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Năm 2018, tổng doanh thu của ngành ICT là 98,9 tỷ đô la Mỹ, gấp 13 lần doanh thu năm 2010 (là 7,6 tỷ đô la Mỹ). Công nghiệp phần cứng là ngành công nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 89% tổng doanh thu năm 2018. Ngành công nghiệp phần mềm phát triển ổn định và bắt đầu thu hút sự chú ý của người dân với tư cách là một khu vực trung tâm quan trọng. Vào giữa năm 2018, có tổng số 9.500 doanh nghiệp tại Việt Nam đã tạo ra những phần mềm kỹ thuật số thuộc các lĩnh vực như tài chính, viễn thông, nông nghiệp thông minh và chính phủ. Trong năm 2016, dịch vụ gia công phần mềm công nghệ thông tin đã tạo ra khoảng 3 tỷ đô la Mỹ, đưa Việt Nam vượt qua Ấn Độ để trở thành ngành công nghiệp phần mềm lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc.

Sự tác động của công nghệ số đối với các ngành, các lĩnh vực chính tại Việt Nam