Hiện Bộ TT&TT đã thẩm định xong hồ sơ xin cấp phép dịch vụ Mobile Money của các nhà mạng.
Chính phủ vừa yêu cầu phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khẩn trương triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Để dịch vụ này được cấp phép thử nghiệm, cần có sự thẩm định của Bộ TT&TT, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước.
Trao đổi với Vietnamnet, ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, hiện Bộ TT&TT đã thẩm định xong hồ sơ của các nhà mạng. Như vậy, hồ sơ của 3 nhà mạng là Viettel, VNPT và MobiFone cần Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước thông qua.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc VNPT Media xác nhận với Vietnamnet rằng hồ sơ của VNPT đã qua vòng thẩm định của Bộ TT&TT và đang tiếp tục qua vòng thẩm định của Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước. Khả năng trong tháng 7 này các bộ sẽ thẩm định xong và Mobile Money có thể được cấp phép trong tháng 8/2021. Ông Nguyễn Sơn Hải cũng cho rằng, các bộ cũng đang rất nỗ lực để thẩm định hồ sơ của các nhà mạng, trong đó có VNPT.
Dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam sẽ cung cấp cho người dùng các dịch vụ nạp tiền mặt, rút tiền mặt, thanh toán hàng hóa dịch vụ hợp pháp và chuyển tiền chỉ với một chiếc điện thoại cơ bản mà không cần phải có tài khoản ngân hàng.
Chia sẻ với Vietnamnet về tiến độ thẩm định hồ sơ xin cấp dịch vụ Mobile Money của Viettel, ông Phạm Trung Kiên, CEO Viettel Digital cho hay, sau khi Thủ tướng đống ý cho thí điểm dịch vụ Mobile Money, ngày 17/3, Viettel đã nộp đề án lên ngân hàng nhà nước. Đến đầu tháng 6, Viettel nhận được văn bản của Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an bổ sung nhiều nội dung để hoàn thiện đề án. Cho đến thời điểm này, Viettel đã làm đề án bổ sung theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an. Trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ nhận được đề án hoàn chỉnh của Viettel.
Bình luận về tiến độ triển khai cấp phép Mobile Money, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT cho hay, chúng ta lỡ mất khoảng 2 năm để triển khai Mobile Money đến với người dân. Đây là điều đáng tiếc cho một dịch vụ với tiện ích có tác động mạnh đến xã hội.
Đại diện Cục Viễn thông cho rằng, Mobile Money là một công cụ có tính phổ cập, để đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vốn là một trong những mục tiêu quan trọng của tài chính toàn diện.
Mục tiêu chính của Mobile Money là tận dụng hạ tầng viễn thông sẵn có để tiết kiệm chi phí xã hội và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện, không sử dụng tiền mặt cho các đối tượng là người dân nghèo, người yếu thế ít có khả năng sử dụng các phương tiện tài chính hiện đại (như thẻ ngân hàng, ứng dụng mobile banking).
Dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam sẽ cung cấp cho người dùng các dịch vụ nạp tiền mặt, rút tiền mặt, thanh toán hàng hóa dịch vụ hợp pháp và chuyển tiền chỉ với một chiếc điện thoại cơ bản mà không cần phải có tài khoản ngân hàng, với hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng.
Đối với các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, hoặc chưa có điều kiện, khả năng sử dụng dữ liệu, mạng Internet, các ứng dụng yêu cầu smartphone, người dân có thể sử dụng tài khoản Mobile Money để thanh toán hàng hoá, dịch vụ qua các kênh điện thoại truyền thống như tin nhắn SMS, tạo sự gần gũi, thân thiện, thuận tiện trong việc tiếp cận sử dụng dịch vụ, qua đó từng bước xây dựng thói quen trong việc chuyển dịch sang sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người dân.
Cho đến thời điểm này, có 92 quốc gia trên thế giới đang triển khai dịch vụ tiền di động với gần 700 triệu tài khoản được đăng ký, lượng giao dịch trung bình khoảng 1,3 tỷ USD mỗi ngày. Như vậy nếu Việt Nam triển khai thử nghiệm Mobile Money, thì chúng ta là nước thứ 93 có nền tảng thanh toán Mobile Money.