Theo các nhà phân tích, căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung và sự cạnh tranh gay gắt trong ngành đe dọa việc Xiaomi có thể nhắm mục tiêu đến những người tiêu dùng giàu có ở phương Tây.
Lôi Quân, người sáng lập kiêm CEO của thương hiệu điện thoại Trung Quốc, đã công bố kế hoạch đầy tham vọng trong bài phát biểu của mình vào tối 10/8 vừa qua, khi công ty ra mắt một số sản phẩm mới.
Và mục tiêu của Xiaomi giờ đây, cũng giống như đối thủ kiêm đồng nghiệp trong nước Huawei đưa ra chỉ một vài năm trước, đó là trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Đáng tiếc rằng kể từ đó tới nay, Huawei đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Washington, ngăn họ mua các con chip tiên tiến và phá vỡ hoạt động kinh doanh smartphone, điều cũng vô tình mở ra cơ hội mới cho các thương hiệu Trung Quốc khác như Xiaomi.
Xiaomi nuôi tham vọng vượt Samsung chỉ trong 3 năm
Với chiến lược theo đuổi thị trường thiết bị cầm tay cao cấp, Xiaomi gần đây đã đạt được một số thành công nhất định. Năm ngoái, nó đã thay thế Huawei để trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh Trung Quốc số 1 trên thị trường toàn cầu. Trong quý 2 năm nay, công ty 11 năm tuổi cũng vượt mặt Apple để trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới với 17% thị phần, theo công ty nghiên cứu Canalys.
Xiaomi cũng đã trở thành nhà cung cấp số 1 ở thị trường châu Âu lần đầu tiên trong quý II, đồng thời xuất xưởng gần 13 triệu chiếc smartphone để đạt 25% thị phần, theo một báo cáo gần đây từ Strategy Analytics.
“Nếu Xiaomi muốn giữ vị trí hiện tại và thậm chí nhắm đến vị trí cao hơn, thì một mặt, hãng cần tiếp tục quảng bá các sản phẩm toàn cầu trên phạm vi toàn cầu; mặt khác, phải tập trung vào việc quảng bá các mẫu điện thoại thông minh cao cấp phân khúc flagship ở thị trường nước ngoài”, Wang Xi, giám đốc nghiên cứu tại IDC Trung Quốc, cho biết.
Đây chính là chiến lược đã giúp Samsung đứng đầu thị trường bấy lâu nay. Mặc dù được biết đến nhiều nhất với dòng điện thoại Galaxy ở phân khúc cao cấp, công ty Hàn Quốc cũng xuất xưởng nhiều thiết bị cầm tay cấp thấp hơn trên khắp thế giới.
Các nhà phân tích cho biết việc trở thành thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu thế giới là điều “có thể tiếp cận” đối với Xiaomi, đặc biệt nếu hãng có thể củng cố vị thế của mình tại Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng cho biết căng thẳng thương mại có thể tiếp tục làm mờ triển vọng của công ty ở nước ngoài, mặc dù hãng đã có được một “chiến thắng hiếm hoi” ở Mỹ vào đầu năm nay khi được xóa khỏi danh sách đen thương mại với các cáo buộc có liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, muốn đạt được vị trí số 1 thế giới, Xiaomi cần nắm chặt thị trường Trung Quốc, xâm nhập Trung Đông và Châu Phi, đồng thời không ngại so găng tại thị trường Bắc Mỹ.
Theo số liệu của Canalys, các lô hàng điện thoại thông minh hàng năm của Samsung trong hai năm qua là khoảng 300 triệu chiếc, trong khi Xiaomi chỉ xuất xưởng hơn 200 triệu chiếc mỗi năm. Nicole Peng, Phó chủ tịch mảng di động của công ty phân tích dữ liệu Canalys cho biết, để có thể thu hẹp khoảng cách này, thị trường Trung Quốc sẽ là rất quan trọng.
Peng cho biết, lô hàng xuất xưởng hàng năm của Xiaomi tại Trung Quốc là khoảng 40 triệu chiếc trong hai năm qua, vì vậy việc tăng gấp đôi doanh số tại thị trường quê nhà sẽ là một chặng đường dài để có thể đạt tới mục tiêu. Ngoài ra, vẫn còn có các cơ hội cho hãng điện thoại này ở Trung Đông và châu Phi. Nhưng, thách thức vẫn còn ở Mỹ – thị trường điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới mà công ty hầu như chưa thể chạm tới – cùng phân khúc doanh nghiệp, nơi mà Apple và Samsung từ lâu đã làm khá tốt.
“Nếu Xiaomi không thể giành được thị phần ở Mỹ, công ty sẽ cần phải nằm trong số hai nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu ở tất cả các thị trường quan trọng khác, bao gồm cả Trung Quốc, nơi họ theo sát bởi các thương hiệu thuộc sở hữu của BBK Electronics (Vivo và Oppo)”, Linda Sui, giám đốc cấp cao về chiến lược điện thoại thông minh không dây tại công ty phân tích thị trường Strategy Analytics cho biết.
Xiaomi tăng cường sự hiện diện trên phân khúc smartphone cao cấp với Mi Mix 4
Ban đầu được biết đến trên thị trường smartphone với các sản phẩm có hiệu suất cao với giá thấp, Xiaomi đã dần đẩy mạnh việc tiến công vào các phân khúc cao cấp hơn cách đây ba năm, khi họ bắt đầu phát triển Mi 10 phiên bản 5G. Chiếc điện thoại này được phát hành vào năm ngoái với giá khởi điểm là 617 USD, là chiếc điện thoại đắt nhất vào thời điểm đó. Bất chấp đại dịch, Lôi Quân cho biết Xiaomi đã bán được 5,77 triệu thiết bị cầm tay Mi 10 tính đến tháng 8 này, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu chỉ 2 triệu đơn vị của công ty.
Công ty kể từ đó đã chuyển sang cung ứng các sản phẩm với mức giá thậm chí cao hơn, với các thiết bị như Mi 11 Ultra, có giá bắt đầu từ 925 USD.
“Con đường lên sân chơi cao cấp của Xiaomi bây giờ mới chỉ bắt đầu”, Lôi Quân chia sẻ tại sự kiện hôm đầu tuần. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư bằng mọi giá.”
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng công ty vẫn còn một chặng đường dài phía trước và ưu tiên hiện tại của Xiaomi là củng cố vị trí nhà sản xuất điện thoại thông minh số 2 thế giới. Một phần khác của chiến lược nhằm tăng cường sự hiện diện trên thị trường cao cấp là sự xuất hiện nhiều hơn của các thiết bị dòng Mi Mix. Phiên bản mới nhất của công ty được trang bị chip Snapdragon 999 của Qualcomm và có giá khởi điểm là 770 USD. Các sản phẩm mới khác được công bố trong tuần này bao gồm một máy tính bảng, một loa thông minh và một chú chó robot có tên là Cyberdog.