NFT có thể cuốn các mạng xã hội truyền thống như Facebook, Twitter vào những rắc rối mới liên quan đến bản quyền và quyền kiểm soát dữ liệu.
Ngày 20/1, Twitter trở thành mạng xã hội lớn đầu tiên cho phép người dùng chọn tài sản NFT làm ảnh đại diện. Các nguồn tin khác cho biết Meta cũng đang tìm cách đưa NFT vào trang cá nhân của người dùng Facebook và Instagram.
Theo Wired, động thái của Meta và Twitter không gây ngạc nhiên vì Web 3.0 đang là chủ đề nóng trong giới công nghệ, và NFT là một phần quan trọng của thế hệ Internet mới này. Tuy nhiên, điều mà những người ủng hộ Web3 hướng tới là loại bỏ sự thống trị trên Internet của những ông lớn như Meta và Twitter – những công ty kiếm hàng tỷ USD nhờ vào việc kiểm soát dữ liệu người dùng.
Ngoài ra, việc ủng hộ một thị trường vẫn còn đầy rẫy những kẻ lừa đảo cũng là một bước đi nguy hiểm với những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon. Theo Alan Woodward, giáo sư về an ninh mạng tại Đại học Surrey (Anh), thị trường NFT đang thiếu người dẫn dắt. Do đó, khi đặt chân vào mảnh đất này, mạng xã hội sẽ trở thành bên chịu trách nhiệm chính. Giáo sư Woodward cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại khi có vô số vụ tranh chấp bản quyền diễn ra gần đây. “Nếu xảy ra tranh chấp về NFT, những người đó sẽ tìm đến ai? Đương nhiên là Facebook hoặc Twitter. Không hiểu sao họ lại muốn nhận ‘cục nợ’ này?”, ông Woodward nói.
Các nhà lập pháp trên khắp thế giới cũng đang tìm cách hạn chế quyền lực từ Meta, Twitter. Đây cũng là hai trong số các hãng Internet đang vướng vào cuộc tranh cãi rằng liệu mạng xã hội có phải chịu trách nhiệm về việc truyền bá nội dung bạo lực và cực đoan hay không. Việc tìm đến NFT – công nghệ đang được nhiều kẻ lừa đảo, trộm cắp sử dụng – có vẻ là một động thái đầy điên rồ vào lúc này.
Cả Twitter và Meta đều từ chối bình luận về vấn đề trên.
“Dù vẫn có những trường hợp sử dụng NFT hợp lý, ngày càng nhiều người mất niềm tin vào xu hướng này”, PJ Cooper, nhà sáng lập Pandimensional Trading, cho biết. Ông ủng hộ Twitter tham gia vào thị trường NFT, nhưng lo ngại người dùng có thể lưu ảnh đại diện NFT của người khác và tự tạo NFT của riêng họ từ đó.
Allie Mack, người phát ngôn của OpenSea – nền tảng mua bán NFT lớn nhất thế giới, xác nhận ảnh đại diện NFT của Twitter sẽ được xác minh qua hệ thống của công ty này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng dựa vào một bên thứ ba là quyết định không đúng đắn.
“OpenSea không đáng tin cậy”, Patrick McCorry, kỹ sư tại công ty blockchain Infura, đánh giá. Theo ông, bản quyền là vấn đề các hãng công nghệ cần lưu ý trước khi đưa NFT vào nền tảng của mình. Trong khi đó, OpenSea lại đang ngập trong rắc rối khi khiều tác phẩm bị đánh cắp đang được bán dưới dạng NFT trên nền tảng này. Vấn đề nổi cộm đến mức DeviantArt, trang chuyên về nghệ thuật, phải tạo công cụ quét và thông báo cho các nghệ sĩ khi tác phẩm của họ bị gắn NFT và đem bán.
Ngược lại, Woodward cũng cho rằng việc Twitter và Meta chấp nhận rủi ro để gia nhập NFT cũng dễ hiểu. Cả hai không muốn bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền từ công nghệ mới. Với Meta, việc này giúp họ sở hữu một trong những công nghệ quan trọng có thể góp phần xây dựng metaverse của mình. “Dù vậy, sẽ có tranh chấp về thương mại xoay quanh NFT khi dự án của Meta và Twitter chính thức áp dụng trên diện rộng”, ông đánh giá.
Sự tham gia của những ông lớn công nghệ sẽ thúc đẩy tính hợp pháp của NFT và giúp công nghệ này phát triển hơn. Tuy nhiên, Woodward lo ngại: “Một yếu tố chính của NFT là tự do trao đổi ở bất cứ đâu. Nhưng khi các tập đoàn công nghệ tham gia vào cuộc chơi, mọi thứ có thể sẽ lại xoay quanh những ông lớn này”, Woodward nói.