Đại dịch Covid lan rộng kéo theo những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảm đạm đó, vẫn có nhiều doanh nghiệp trở thành điểm sáng đáng chú ý nhờ thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, với những biến động khó lường có thể bất ngờ xảy ra, chuyển đổi số chính là “nước đi chiến lược” giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây không phải là “cuộc đua” của một mình bạn, tổ chức không những cần chuyển dịch mà còn cần thực hiện các giải pháp giúp doanh nghiệp đi nhanh hơn đối thủ trong chuyển đổi số để bảo vệ vị thế của mình.
Chuyển đổi số là gì?
Tùy theo từng góc nhìn mà định nghĩa chuyển đổi số trong doanh nghiệp được lý giải theo nhiều cách khác nhau:
Theo Garner, Chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội và giá trị mới, giúp doanh nghiệp đạt doanh số tốt hơn và gia tăng tốc độ tăng trưởng.
Theo Microsoft, Chuyển đổi số là việc tái cấu trúc tư duy về việc phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người nhằm tạo ra nhiều giá trị mới.
Tóm lại, có thể hiểu đơn giản Chuyển đổi số (Digital Transformation) là khi tất cả các lĩnh vực hoạt động của tổ chức được xây dựng trên nền tảng kỹ thuật số. Hay nói cách khác, đây là quá trình doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình quản lý truyền thống sang mô hình quản lý hiện đại nhờ ứng dụng các nền tảng công nghệ như IoT, Big Data, Điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế ảo,…
Vì sao doanh nghiệp phải chuyển dịch nhanh hơn sau đại dịch?
Dịch Covid – 19 mở ra cơ hội cạnh tranh công bằng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các tổ chức trên thế giới nói chung. Đây là cuộc chạy đua mà điểm xuất phát của các doanh nghiệp gần như giống nhau. Vì vậy, doanh nghiệp nào chuyển đổi số nhanh và hiệu quả, doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ tạo được đột phá và đi trước đối thủ.
Lập luận trên phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi chu kỳ sống của sản phẩm đã được rút ngắn, các các sản phẩm từ thiết bị gia dụng đến các mặt hàng công nghệ đều liên tục cập nhật phiên bản mới theo từng năm. Các phương thức kinh doanh mới cũng bắt đầu xuất hiện và dần thay thế các hình thức kinh doanh truyền thống. Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ; hành vi mua của khách hàng cũng thường xuyên thay đổi,… tất cả tạo nên sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó,chu kỳ sống của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ngày càng ngắn thể hiện qua số lượng lớn những hợp đồng mua bán, sáp nhập trên thị trường. Điều này giống với hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” mà những con cá bé ở đây chính là những doanh nghiệp chuyển đổi chậm chân hơn.
Ngoài ra, thời gian gắn bó giữa nhân viên với tổ chức càng thu hẹp do những thay đổi trong nhu cầu hoặc bị thu hút bởi một tổ chức khác. Vì vậy, để bảo toàn vị thế của mình, tổ chức cần có những chiến lược chuyển đổi số nhanh và hiệu quả hơn so với đối thủ.
Giải pháp giúp doanh nghiệp đi nhanh hơn đối thủ trong chuyển đổi số
Để đạt được lợi thế so với đối thủ trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp cần quan tâm đến 4 vấn đề chính sau đây:
Chiến lược chuyển đổi số
Chiến lược chính là cách thức mà tổ chức tổ chức áp dụng để đạt được thành công trong quá trình số hóa. Trong quá trình thực thi chiến lược, doanh nghiệp cần chú ý đến những điều sau:
– Thiết lập một tầm nhìn rộng, rõ ràng: Người đứng đầu doanh nghiệp cần phải có một tầm nhìn xa, bao quát sự phát triển của doanh nghiệp. Điều này giúp họ kiên định theo đuổi giải pháp công nghệ phù hợp. Việc liên tục thay đổi các nền tảng hỗ trợ quản trị doanh nghiệp có thể khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng. Tầm nhìn là bức tranh phác họa của doanh nghiệp trong tương lai, do đó một tầm nhìn càng cụ thể thì càng giúp công ty chuyển đổi số dễ dàng.
– Triển khai các bước nhỏ và có giá trị rõ ràng: Ta có thể hình dung chuyển đổi số như một bức tranh lớn và việc doanh nghiệp cần làm là phác thảo bức tranh (lập kế hoạch) sau đó lựa chọn màu sắc phù hợp (đối tác), cuối cùng kiên trì vẽ lên từng hình khối (triển khai & nghiệm thu từng phần) cho đến khi hoàn thành. Nếu doanh nghiệp quá tham lam, lựa chọn triển khai theo phương pháp Big Bang trong thời gian ngắn có thể nhanh chóng dẫn tới thất bại trong chuyển đổi số.
– Làm việc theo nhóm nhỏ để đưa ra quyết định nhanh chóng: Trong bối cảnh thị trường có những biến động khó lường, doanh nghiệp cần phải rút ngắn thời gian đưa ra các quyết định. Làm việc theo nhóm nhỏ không những giúp tăng sự tương tác giữa các thành viên mà còn giảm thiểu được độ trễ của các quyết định do chờ đợi cấp trên phê duyệt. Vì vậy, tổ chức sẽ phản ứng nhanh chóng trước những biến động của thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này, người lãnh đạo cần trao quyền cho nhân viên cấp dưới.
Nâng cao năng lực về công nghệ
Nhiều doanh nghiệp nói quá nhiều về các mục tiêu số hóa như: nâng cao chất lượng sản phẩm, cắt giảm nhân sự, tăng hiệu suất, nâng cao trải nghiệm khách hàng,… mà chưa quan tâm nhiều đến năng lực số hóa.
Năng lực số hóa gồm cơ sở hạ tầng phần cứng, phần mềm thu thập dữ liệu, phân tích & đưa ra các báo cáo trên cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp và bảo mật,… Có một bất cập đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là triển khai các nền tảng phần mềm hiện đại trên các thiết bị phần cứng đã lỗi thời hoặc ngược lại. Điều này không những giảm thiểu hiệu quả của chuyển đổi số mà còn gây nên những sự cố không đáng có khi vận hành hệ thống. Vì vậy tổ chức cần nghiên cứu, ứng dụng hài hòa các nền tảng công nghệ chuyển đổi số phù hợp với mục tiêu chuyển đổi của doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực chuyển đổi
Không phải công nghệ mà năng lực quản lý mới chính là yếu tố quyết định đến thành công của quá trình số hóa. Các yếu tố giúp nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp như:
– Chuyển đổi năng lực quản trị: Nhà quản trị cần xây dựng hệ thống mục tiêu cho từng giai đoạn chuyển đổi, dự đoán trước những biến động, quyết đoán, chấp nhận đổi mới, biết trao quyền cũng như khuyến khích nhân viên tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
– Nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo: Thúc đẩy văn hóa sáng tạo, tăng cường thử nghiệm chính là tiền đề cho những ý tưởng mới, những cải tiến mới. Điều này không những giúp nhân viên phát huy hết năng lực mà còn giúp họ vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân hướng tới thích ứng nhanh với những thay đổi của môi trường.
– Văn hóa đặt khách hàng làm trung tâm: Suy cho cùng mọi nỗ lực của doanh nghiệp đều hướng đến tăng lợi nhuận mà điều này chỉ có thể đạt được khi họ làm thỏa mãn khách hàng. Vì vậy, mục tiêu đầu tiên trong quá trình triển khai chuyển đổi số là gia tăng trải nghiệm khách hàng để thu lại giá trị nhanh nhất cho tổ chức, tạo tiền đề cho các bước chuyển đổi phía sau.
Khả năng thích ứng nhanh với thay đổi
Các nhà lãnh đạo & quản lý doanh nghiệp cần liên tục học hỏi, phát triển tầm nhìn, xây dựng các phương án linh hoạt để nắm bắt cơ hội trong khi vẫn kiểm soát rủi ro.
Để duy trì vị thế & tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần bắt tay ngay vào chuyển đổi số, nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy quá trình số hóa diễn ra nhanh và hiệu quả hơn. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong chuyển dịch số, hãy liên hệ với CNTT Việt Nam để được các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm tư vấn chuyển đổi số hỗ trợ bạn tháo gỡ các khó khăn.