Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp là một chặng đường phát triển của lịch sử loài người khi những đột phá lớn về khoa học và công nghệ tạo ra thay đổi về phương thức sản xuất và dẫn đến thay đổi sâu sắc mọi mặt của xã hội. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là một chặng đường như vậy với đột phá của các công nghệ số dẫn đến sự thông minh hóa mọi mặt của xã hội. Chuyển đổi số chính là cách đi trong chặng đường phát triển thời CMCN 4.0, và là cơ hội vô giá để phát triển đất nước.
Thay đổi phương thức phát triển của xã hội
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của xã hội, thay đổi cách con người sống và hoạt động trong thời đại số. Chuyển đổi được thực hiện trên nền tảng của các công nghệ số, và thường được phân theo ba cấp độ: số hóa thông tin, số hóa tổ chức và chuyển đổi.
Các thực thể trong thế giới ta đang sống như dòng sông, ngôi nhà, chiếc ô-tô, con người… đều ở dạng vật lý. Số hóa thông tin là việc tạo ra phiên bản số của các đối tượng vật lý, tức tạo ra dữ liệu số mang thông tin của các thực thể. Phiên bản số của các thực thể có thể kết nối được với nhau trên không gian mạng, và điều này gián tiếp tạo ra sự kết nối của các thực thể trong thế giới vật lý. Do đó, những việc con người cần làm trên các thực thể đều có thể tính toán, điều khiển với các phiên bản số của chúng trong không gian mạng.
Tuy nhiên, số hóa thông tin chỉ là điều kiện cần đầu tiên. Điều kiện cần rất quan trọng tiếp theo, thậm chí mang tính quyết định nhiều hơn, là mỗi người, mỗi tổ chức phải định ra được cách sống và cách làm việc trong thời đại số. Đây phải là sự đổi mới, mà cụ thể là đổi mới sáng tạo mô hình hoạt động. Đại thể có hai cách, một là cải tiến và đổi cách làm cũ sang cách làm mới trong môi trường số (như Viettel chuyển hướng qua cung cấp hạ tầng và dịch vụ số), và hai là sáng tạo ra cách làm hoàn toàn mới (như ta-xi công nghệ của Uber hay cách cung cấp chỗ ở của Airbnb dựa trên kinh tế chia sẻ). Việc định ra mô hình hoạt động hay kinh doanh mới của các tổ chức chính là cấp độ số hóa tổ chức.
Có dữ liệu và mô hình rồi, việc tiến hành hoạt động theo mô hình mới chính là cấp độ chuyển đổi. Đây là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện tổ chức, từ từng lãnh đạo đến mọi nhân viên, từ thay đổi văn hóa đến quy trình làm việc… Ba cấp độ của chuyển đổi số cho ta thấy những việc phải làm, nhưng không nhất thiết phải làm tuần tự.
Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài với tốc độ và quy mô khác nhau ở các quốc gia, ở các lĩnh vực khác nhau. Những bài học thành công và thất bại của chuyển đổi số chỉ ra rằng: cần tầm nhìn xa và tổng thể, có lộ trình và kế hoạch rõ, và thực hiện từng bước cho hiệu quả rồi qua bước tiếp theo.
Cơ hội vô giá và cuối cùng?
Việc số hóa ngày càng rộng khắp trong mọi lĩnh vực và sự đột phá của công nghệ số trong nhiều ngành nghề làm cho công nghiệp không nhất thiết là điều kiện cần của mọi quốc gia trong cuộc CMCN 4.0 này. Sở dĩ vậy vì cốt lõi của chuyển đổi số là việc thay đổi cách hoạt động của tổ chức bằng các công nghệ số chứ không phải việc dùng các công nghệ số, và việc thay đổi này có thể ứng dụng cho mọi người, mọi tổ chức, mọi ngành nghề. Cơ hội này mở ra cho cả những quốc gia không có truyền thống công nghiệp như Việt Nam, nhưng có tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác.
Chẳng hạn, nền kinh tế số với nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, tài chính số, thương mại điện tử… cho phép ta cải thiện năng suất lao động hiện đang còn thấp.
Chẳng hạn, một chính phủ số biết dùng các nguồn dữ liệu quốc gia phong phú và khai thác được chúng, sẽ đổi mới sáng tạo được bộ máy hành chính, làm nền tảng kết nối kinh doanh số với các công dân số.
Chẳng hạn, một xã hội số lấy con người làm trung tâm, cân bằng tiến bộ kinh tế với cuộc sống tốt đẹp hơn của con người… thì dẫu cho GDP có thể chưa cao nhưng chất lượng cao của giáo dục và y tế vẫn là một đích đến xứng đáng.
Nói chuyển đổi số là cơ hội vô giá vì dẫu chưa làm được máy bay, làm tàu vũ trụ…, ta vẫn có thể thay đổi được chính mình trong thời đại số. Có thể xem chuyển đổi số là cơ hội cuối cùng của chúng ta trong vòng một vài thập niên tới. Sở dĩ vậy vì thường phải sau mấy chục năm phát triển những đột phá mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ như điện, điện tử và máy tính, trí tuệ nhân tạo… mới xảy ra. Và nhiều chục năm mới có một lần. Khi cơ hội đến, ta không tiến nhưng người khác tiến là ta thụt lùi. Cơ hội này cũng là cuối cùng vì nếu lỡ lần nữa, Việt Nam sẽ đi sau các nước phát triển càng xa hơn, do sự phát triển trong thời đại số có tốc độ lớn gấp nhiều lần các giai đoạn trước.
Thách thức và những việc cần làm ngay
Tuy CMCN 4.0 và chuyển đổi số bắt nguồn từ công nghệ, nhưng ba yếu tố quyết định thành công là con người, thể chế và công nghệ, mà trước tiên là yếu tố con người.
Chuyển đổi số là một cơ hội vô giá, nhưng chúng ta có nắm được cơ hội này để phát triển đất nước hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Đề án chuyển đổi số quốc gia sắp được Thủ tướng phê duyệt với các quyết định về hành động trên toàn quốc chắc chắn sẽ chỉ rõ các thách thức ta phải vượt qua, các việc sẽ phải làm. Dưới góc độ cá nhân, chúng tôi cho rằng cần ưu tiên thực hiện bốn việc sau.
Thay đổi nhận thức và tư duy. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị đã chỉ ra “Mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế” và khẳng định “nguyên nhân chủ quan là chính”. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số quốc gia chính là tư duy và nhận thức của chính chúng ta. Nếu tư duy và nhận thức của từng cá nhân không thay đổi thì không thể có chuyển đổi số của đất nước. Người càng có trách nhiệm cao trong bộ máy công quyền càng cần sớm nhận thức tình hình.
Xây dựng hạ tầng số với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Nền tảng để trên đó thực hiện chuyển đổi số bao gồm hạ tầng thiết bị và truyền thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng nghiên cứu và phát triển… Một trong các hạ tầng quan trọng là cơ sở dữ liệu thiết yếu của các bộ, ngành và địa phương.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý phù hợp với thời đại số và môi trường mạng an toàn. Thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển đều tùy thuộc vào các quy định của hệ thống pháp lý.
Đào tạo nhân lực, gồm đào tạo lực lượng chuyên nghiệp về công nghệ số và kỹ năng số cho người lao động.