Nhận định hệ thống mạng trong các lĩnh vực tài chính, chăm sóc sức khỏe đang là mục tiêu của hàng loạt mối đe dọa, chuyên gia Fortinet cho rằng, các lãnh đạo doanh nghiệp cần trang bị cho mình chiến lược “nhìn xa trông rộng” để đối phó với môi trường mạng ngày càng phức tạp.
Hãng bảo mật toàn Fortinet vừa tổ chức hội thảo an ninh mạng “Fortinet 361° Security” tại Việt Nam. Đây là sự kiện thường niên được Fortinet tổ chức tại nhiều thành phố của ASEAN và Hồng Kông. Năm nay, chủ đề sự kiện hướng tới những chiến lược và phương án đổi mới trong việc bảo vệ hệ thống mạng của doanh nghiệp trong thế giới siêu kết nối hiện nay.
Theo ông Peerapong Jongvibool, Phó Chủ tịch khu vực ASEAN và Hồng Kông của Fortinet, trong thế giới siêu kết nối ngày nay, dữ liệu di chuyển giữa các môi trường khác nhau như đa đám mây (multi-cloud), IoT và thiết bị di động. Điều quan trọng đối với các hệ thống mạng hiện đại là phải triển khai giải pháp bảo mật nhất quán nhưng vẫn bảo toàn chức năng trong hệ thống, để các luồng công việc thiết yếu được bảo vệ cùng với toàn bộ đường dẫn dữ liệu khi thông tin di chuyển qua nhiều môi trường khác nhau.
“Đó là lý do tại sao hội thảo Fortinet 361° Security năm nay tập trung vào chủ đề “Security-Driven Networking”, nơi các giải pháp mạng và bảo mật được kết hợp và tích hợp. Khái niệm xây dựng hệ thống mạng xoay quanh bảo mật là một nền tảng cho phép các doanh nghiệp thiết kế và triển khai các ứng dụng và dịch vụ thiết yếu phục vụ hoạt động kinh doanh nhanh hơn bao giờ hết mà vẫn đảm bảo tính bảo mật cho toàn hệ thống”, ông Peerapong Jongvibool chia sẻ.
Ông Anthony Lim, Chuyên gia tư vấn cao cấp của Fortinet tại thị trường ASEAN và Hồng Kông cho biết, nhu cầu đối với chuyển đổi số đang buộc các tổ chức thuộc mọi quy mô và ngành công nghiệp phải đánh giá lại tính hiệu quả và khả năng mở rộng của cơ sở hạ tầng bảo mật hệ thống tài sản hiện có.
Hệ thống mạng trong các lĩnh vực nhạy cảm như chính phủ, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe, thường lưu trữ dữ liệu vô cùng giá trị về thông tin cá nhân, giao dịch tài chính và cơ sở hạ tầng trọng yếu. Môi trường giàu dữ liệu này khiến chúng trở thành mục tiêu của một loạt các mối đe dọa như mã độc tống tiền, lừa đảo qua mạng hay một cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán – DDoS, nhằm mục đích ngăn chặn, tống tiền hoặc phá vỡ các hệ thống mạng.
“Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia IT phải trang bị cho mình chiến lược “nhìn xa trông rộng” để đối phó với các môi trường mạng ngày càng phức tạp hơn. Khi các tổ chức phát triển, một cơ sở hạ tầng mạng phức tạp và siêu kết nối liên kết các hệ sinh thái, các hoạt động kinh doanh, xã hội và cuộc sống cá nhân, thì vấn đề an ninh mạng cần phải triển khai tương tự như vậy”, vị chuyên gia cao cấp của Fortinet khuyến nghị.
Ông Nguyễn Gia Đức, Giám đốc Fortinet Việt Nam chia sẻ thêm, ứng dụng công nghệ tại Việt Nam ngày càng phát triển, bắt kịp xu hướng công nghệ trên thế giới và cùng với sự phát triển công nghệ đó, những tiềm ẩn rủi ro về an toàn thông tin cũng ngày càng gia tăng. Fortinet hi vọng thông qua những hội thảo chuyên đề như 361° Security sẽ mang đến những kinh nghiệm từ các chuyên gia trên thế giới, để có thể giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam có thêm những hiểu biết thực tế áp dụng vào chiến lược an toàn thông tin cho doanh nghiệp của mình.
Trao đổi bên lề sự kiện, ông Nguyễn Gia Đức cho rằng, các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam cần có định hướng chiến lược về công nghệ cũng như an toàn thông tin mạng, xây dựng cho doanh nghiệp mình một kiến trúc bảo mật có thể phủ rộng, bao quát và toàn diện nhất. Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức về an toàn thông tin cũng rất quan trọng, doanh nghiệp phải luôn nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của mình.