Bộ Khoa học đang nghiên cứu và sẽ báo cáo Thủ tướng phê duyệt, triển khai “Chương trình trọng điểm quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0”.
Sáng 13/7, bên lề Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã chia sẻ về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để Việt Nam tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng cho sự phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng, với Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất, dịch vụ thông minh, các loại hình nông nghiệp thông minh… giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất, mang lại lợi ích cho nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức. Nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội.
Ông Chu Ngọc Anh cho rằng Chính phủ cần xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, các mô hình sản xuất và dịch vụ thông minh; đưa ra giải pháp về quản trị quốc gia và phát triển các mô hình sản xuất, dịch vụ thông minh… Doanh nghiệp cần đổi mới mạnh mẽ, ứng dụng các giải pháp công nghệ.
Để phục vụ các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, ông Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng phê duyệt, đưa vào triển khai chương trình trọng điểm quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã lựa chọn cách tiếp cận của riêng mình đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Dù từ cách tiếp cận nào thì các quốc gia đều phải dựa vào nền tảng là sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.
Cũng tại diễn đàn, Sophia – robot đầu tiên trong lịch sử được cấp quyền công dân như con người – đã xuất hiện với tư cách là khách mời đặc biệt.
Trong tà áo dài trắng, Sophia đã giới thiệu về mình và trả lời câu hỏi về chiến lược của Việt Nam cần có trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. “Tôi là người đại diện cho kỷ nguyên 4.0. Tôi cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh sự sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững hơn”, Sophia nói.
Sophia cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 luôn luôn là thách thức với vấn đề việc làm trong xã hội, Việt Nam cần có chính sách đảm bảo quyền lợi cho những thành phần dễ bị tổn thương. Trong đó, con người cần trang bị những kỹ năng cần thiết để hòa nhập, tận dụng lợi thế của công nghệ, mang lại những lợi ích, phồn vinh và cơ hội cho người nghèo trong xã hội.
Nhìn ở góc độ khác, nữ robot này cho rằng sự phát triển về công nghệ cũng mang lại nhiều cơ hội việc làm, điển hình là ứng dụng trong giao thông như Uber hay Grab. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là con người cần trang bị những kỹ năng mới, tìm ra và làm chủ công nghệ mới.