Phát triển KH&CN là nền tảng cốt lõi
Tại Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Đánh giá năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam và đề xuất các cơ chế, chính sách”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là xu thế tất yếu và diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn được cách tiếp cận của mình. Dù là từ cách tiếp cận nào thì các quốc gia đều phải dựa vào nền tảng là sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 cũng đang mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất và dịch vụ thông minh, các loại hình nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ tài chính – ngân hàng, logistic thông minh… giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, giai đoạn 2011-2015 hình thành 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đến năm 2020 hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Để phấn đấu đạt mục tiêu, ngày 1-2-2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có hiệu lực từ ngày 20-3-2019; đã có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy việc hình thành và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khoa học công nghệ trong thời gian tới.Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những đổi mới mạnh mẽ như: Xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền kinh tế số, các mô hình sản xuất và dịch vụ thông minh; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về quản trị công quốc gia và phát triển các mô hình sản xuất, dịch vụ thông minh; phát triển cơ sở hạ tầng kết nối số; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh…
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, để đạt mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2020, cần sự chung tay, phối hợp giữa các cấp, ngành trong ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Thực tế, lực lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ chưa nhiều về mặt số lượng như “kỳ vọng” nhưng đã tác động tới phát triển kinh tế – xã hội khá rõ nét, tạo ra xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, để hỗ trợ việc đạt mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN cũng đã đẩy mạnh hoạt động của các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia… Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đến tháng 12-2018 đã hỗ trợ hơn 2.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, trong đó tập trung vào nghiên cứu cơ bản, chú trọng đầu tư hỗ trợ khoa học cơ khí trọng điểm, lĩnh vực đặc thù và lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao.
Để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển kinh tế-xã hội, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam. Cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH&CN, không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia…
Đổi mới sáng tạo là động lực tạo ra sự phát triển bền vững
Theo dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng, quá trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ thực hiện 3 giai đoạn: Từ năm 2020 đến hết năm 2022 là giai đoạn tăng tốc, sẽ tập trung đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội và chuyển đổi số cơ quan nhà nước.
Giai đoạn từ năm 2023 đến hết năm 2025 tập trung chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra các nguồn lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp đó, trong giai đoạn chuyển đổi bắt đầu từ năm 2026 đến hết năm 2030, chuyển đổi số Việt Nam sẽ hướng tới phát triển một nền kinh tế số, xã hội số toàn diện.
Mục tiêu của đề án đến năm 2030 là Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, nơi cho phép thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong kinh tế số. Mọi người đều có thể tham gia và không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, cần phải giữ gìn những giá trị cơ bản của con người.
Khẳng định lĩnh vực ICT là nền tảng và là hạt nhân của chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, phát triển công nghệ và công nghiệp ICT sẽ góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển; lấy sự phát triển bền vững, tăng trưởng nhanh của ngành làm mục tiêu quản lý. “Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Công nghệ mới, đổi mới sáng tạo là động lực tạo ra sự phát triển bền vững và bao trùm cho Việt Nam. Nâng cao thứ hạng Việt Nam, bám vào các KPI quốc tế để cải thiện thứ hạng. ICT là nền tảng nên cần phải đi trước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đề án chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng khi định hướng Việt Nam sẽ lọt top 40 thế giới, top 4 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Để thực hiện được điều này, chuyển đổi số chính là chìa khóa cho chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một “điểm đột phá” để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành chuyển đổi số. Khi đã tìm được đường hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, bền vững, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn chiến lược, các tổ chức, doanh nghiệp đó có thể đo đếm, đánh giá tính hiệu quả thực sự để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính cơ sở.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy.