Ông Trần Văn Khang được công nhận phát hiện 6 lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng (Critical CVE) trên các phần mềm của Adobe, Microsoft.
Thành tích của ông Trần Văn Khang – Trưởng nhóm Phân tích mã độc, Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VinCSS (thuộc Tập đoàn Vingroup) nâng tổng số lỗ hổng bảo mật zeroday mà VinCSS phát hiện lên 80 mã CVE (định danh chuẩn hóa cho các lỗ hổng bảo mật trên toàn cầu).
Adobe phát hành bản vá cho các lỗ hổng bảo mật của ứng dụng Adobe Framemaker trên nền tảng Windows ngày 14/9. Trong đó, có ba lỗ hổng được phát hiện, báo cáo bởi chuyên gia Trần Văn Khang. Các lỗi ghi nhận ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người dùng tại rất nhiều quốc gia bởi độ phổ biến, sử dụng rộng rãi của ứng dụng.
Ngay sau đó, ngày 15/9, Trần Văn Khang tiếp tục được Microsoft ghi nhận việc phát hiện, cảnh báo ba lỗ hổng bảo mật mức nghiêm trọng tồn tại trong ứng dụng thuộc bộ sản phẩm Microsoft 365 Apps for Enterprise. Các lỗi này cho phép tin tặc lợi dụng, chiếm quyền điều khiển thiết bị của nạn nhân, truy cập vào mạng lưới của tổ chức, thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh mạng nguy hiểm, có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực an ninh mạng, việc tìm các lỗ hổng zeroday (thuật ngữ để chỉ những lỗ hổng phần mềm hoặc phần cứng chưa được biết đến và khắc phục) được coi là đóng góp có tầm ảnh hưởng rất lớn. Bởi vậy, các hoạt động chủ động kiểm thử, tìm hiểu để phát hiện các lỗ hổng zeroday có vai trò quan trọng giúp tổ chức kịp thời cập nhật phiên bản mới, hoàn thiện tính bảo mật cho sản phẩm, bảo vệ người dùng khắp thế giới trước các rủi ro trên không gian mạng.
Vì tính nghiêm trọng, ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu, các lỗ hổng bảo mật trên được công nhận khắp thế giới và đăng tải trên hệ thống National Vulnerability Database (nvd.nist.gov) của Viện tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia Mỹ (NIST).
Chuyên gia Trần Văn Khang (VinCSS) vừa được công nhận phát hiện 6 lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên các phần mềm của Adobe và Microsoft. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chia sẻ về những thành tích của mình, chuyên gia Nguyễn Văn Khang cho biết, môi trường Internet đảm bảo an toàn là điều kiện cốt yếu để nền kinh tế số phát triển bền vững. “Những ghi nhận của cộng đồng bảo mật trong nước, quốc tế là nguồn động lực lớn cho tôi tiếp tục cố gắng, cọ xát để có nhiều đóng góp giá trị hơn”, anh Khang nói.
Trong thời gian ba năm làm việc tại VinCSS, chuyên gia Trần Văn Khang đều đặn nghiên cứu, phát hiện, trở thành chủ nhân của tổng cộng 27 mã CVE. Các phát hiện lỗ hổng bảo mật của anh phần lớn là trong sản phẩm thuộc các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Adobe, những phần mềm diệt virus phổ biến của Trend Micro, McAfee, Bitdefender, ESET. Các phát hiện này đã giúp nhiều hãng công nghệ kịp thời khắc phục, loại bỏ mối nguy hiểm đe doạ hàng tỷ người dùng trên toàn cầu.
Trước đó, vào tháng 4/2019, chuyên gia Trần Văn Khang trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt chứng chỉ bảo mật cao cấp GREM (GIAC Reverse Engineering Malware: Kỹ thuật dịch ngược mã độc) do Học viện An ninh mạng SANS (Mỹ). Việc đạt chứng chỉ bảo mật này chứng minh cho năng lực, khả năng làm việc ở đẳng cấp quốc tế của chuyên gia đến từ Việt Nam. Thực tế, độ khó của kỳ thi khiến không nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật trên thế giới có thể đạt được.
Bên cạnh việc nghiên cứu phát triển, cung cấp các sản phẩm ra thị trường, các công ty an ninh mạng Việt Nam trong đó có VinCSS đang dành nguồn lực nhằm góp phần bảo vệ nền kinh tế số, không gian mạng. Những kết quả tích cực, sự ghi nhận của cộng đồng an ninh mạng thế giới chính là động lực để các chuyên gia Việt tiếp tục nỗ lực, đóng góp các nghiên cứu giá trị trong tương lai.
CVE (Common Vulnerabilities and Exposures) là định danh chuẩn hóa cho các lỗ hổng bảo mật trên toàn cầu. CVE cung cấp các điểm tham chiếu là cơ sở để đánh giá lỗ hổng bảo mật, công cụ, dịch vụ phù hợp với doanh nghiệp. Hầu hết các tổ chức trên khắp thế giới sử dụng CVE như một tiêu chuẩn tư vấn bảo mật.
Hiện, CVE được duy trì, giám sát và công bố bởi The MITRE Corporation – tổ chức uy tín nhất thế giới về việc lưu trữ danh sách các lỗ hổng bảo mật. Đơn vị cung cấp hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình xử lý để đảm bảo CVE phục vụ lợi ích cộng đồng.