Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ nổi bật tại Videx 2021

HÀ NỘIART Tech Design (Hàn Quốc), Airobotics (Isarel), hay Viettel, MAJ (Việt Nam) giới thiệu công nghệ ôtô điện, giải pháp ninh quốc phòng tại triển lãm Videx vừa diễn ra.

Theo đó, ở phiên chuyên đề “Công nghệ Isarael trong lĩnh vực bảo vệ an ninh và lĩnh vực dân sự”, các chuyên gia Isaral đã giới thiệu những ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia này bao gồm cả an ninh quốc phòng và tìm ra giải pháp thúc đẩy việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu và làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đại diện Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, ông Gal Saf,Tham tán Thương mại phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Videx

Đại diện Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, ông Gal Saf – Tham tán Thương mại cho biết, Việt Nam đang gặp những thách thức mới về an ninh mạng ở góc độ ngân hàng và tài chính, hạ tầng trọng yếu, các hệ thống di động, internet kết nối vạn vật… và cần các giải pháp bảo đảm an toàn an ninh mạng. “Hiện nay, Israel có những giải pháp, chuyên gia hàng đầu về an ninh, nhất là an ninh mạng sẵn sàng kết nối và hợp tác với các đối tác Việt Nam”, ông Gal Saf chia sẻ.

Đơn cử, đó là công nghệ máy bay không người lái cho quân sự và dân sự của Công ty Airobotics); hệ thống giám sát chiến thuật của Công ty IAI/Elta Isarael; hay đào tạo cho an ninh bảo mật, kiểm thử và đánh giá hệ thống bảo mật của công ty Misoft – Đại diện Công ty Cyberbit…

Ông Phạm Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. đánh giá sự kiện là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp Irsael giới thiệu các giải pháp công nghệ, sản phẩm trong lĩnh vực bảo vệ an ninh và lĩnh vực dân sự; thúc đẩy cơ hội kết nối, hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Israel. Ông cũng kỳ vọng các đối tác giữa hai nước sẽ tìm thấy những cơ hội hợp tác thiết thực.

Với phiên “Giải pháp sản xuất thông minh, đổi mới chuỗi cung ứng”, đại diện Công ty MAJ Việt Nam cũng chia sẻ giải pháp ứng dụng công nghệ máy bay không người lái (UAV) quân sự vào lĩnh vực dân sự. Cụ thể, MAJ thiết kế, sản xuất và cá nhân hóa theo yêu cầu các dòng máy bay FPV, cánh cứng giúp khách hàng có giải pháp rõ ràng; tiết kiệm thời gian, chi phí và các nguồn lực khác. Áp dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, đơn vị này cho biết có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành UAV nông nghiệp, như triển khai dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật tại 14 tỉnh thành khắp Việt Nam.

Sản phẩm máy bay không người lái của MAJ Việt Nam ứng dụng lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Videx

“Sử dụng UAV nông nghiệp giúp tiết kiệm 40% lượng thuốc và 90% lượng nước; tiết kiệm thời gian và nhân lực do UAV nông nghiệp có hiệu suất làm việc trung bình từ 12 đến 40 ha/ngày, so với mức trung bình 0,8 ha/ngày với cách phun truyền thống; giảm độc hại và ô nhiễm nguồn đất và nước; không bị hạn chế bởi các địa hình làm việc”, đại diện MAJ chia sẻ.

Cũng theo vị đại diện này, MAJ nghiên cứu giải pháp vận tải dựa trên các dòng máy bay nông nghiệp, sau khi được cải tiến, gia cố thêm sẽ thực hiện các nhiệm vụ vận tải trong các điều kiện thời tiết khác nhau tại Việt Nam.

Là một trong những tập đoàn hàng đầu về công nghệ viễn thông, Viettel cũng tham gia Videx 2021 và mang đến triển lãm kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số của tập đoàn cũng như chuyển đổi số cho bộ, ngành, doanh nghiệp…

Để hiện thực hoá mục tiêu đồng hành chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, đơn vị này đã xây dựng đội ngũ tư vấn chiến lược chuyển đổi số; làm chủ công nghệ tiên tiến như AI, IoT, Blockchain, Big Data, RPA… để giải quyết các bài toán nhức nhối của doanh nghiệp, chính phủ; hợp tác với các chuyên gia chuyển đổi số thế giới, cùng tham gia tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, chính phủ…

Nhờ chuyển đổi số, Viettel tiếp tục duy trì trưởng số ở mức hơn 20% trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đơn vị này còn tăng 4 bậc trong TOP 30 doanh nghiệp viễn thông có giá trị lớn nhất thế giới (Từ vị trí 28 năm 2020 lên vị trí
24 năm 2021).

Song song, tập đoàn vận hành linh hoạt, chuyển đổi nhanh chóng, giúp tiết kiệm chi phí, tiết kiệm hàng nghìn nhân sự mỗi tháng nhờ các Trung tâm giám sát tập trung, tự động hóa, áp dụng công nghệ trong hoạt động (AI / ML, Mobility…); triển khai các Trung tâm điều hành kỹ thuật Toàn cầu (GNOC), Trung tâm giám sát An ninh mạng toàn cầu (GSOC), tự động hóa (Intelligent Automation), di động hóa (Mobility – m-BCCS) trong nghiệp vụ bán hàng…

Chia sẻ thêm về việc ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, đại diện Tân cảng Sài Gòn cho biết, nhờ thực hiện chuyển đổi số kịp thời, doanh nghiệp đang cung cấp các dịch vụ logistics tốt nhất, tiện lợi nhất cho khách hàng. Những năm vừa qua, đơn vị này còn tiên phong ứng dụng cảng điện tử E-port, lệnh giao hàng điện tử mang lại nhiều tiện ích cho khách, đồng thời chứng minh ưu thế vượt trội. Nhất là trong làm sóng Covid-19 lần thứ tư, đơn vị đã tiếp nhận hỗ trợ hành chính nhanh chóng, góp phần giảm thiểu nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp trên cả nước.

Ông Chang Un Seok, đại diện công ty MASTA, Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp xe điện. Ảnh chụp màn hình

Phiên “Hợp tác chuyển giao công nghệ phụ trợ ngành ô tô điện”, các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đã chia sẻ về công nghệ, sản phẩm phụ trợ ôtô điện.

Ông Chang Un Seok, đại diện công ty MASTA, Hàn Quốc giới thiệu về thế mạnh và các sản phẩm của công ty, đó là các dự án xe điện siêu nhỏ, xe mô tô và dịch vụ xe. Công ty này còn có hệ thống A/S (trung tâm sửa chữa) rộng lớn với 1.500 chi nhánh.

Đại diện ART Tech Design cũng giới thiệu về các sản phẩm chạy bằng điện, như xe điện nhỏ, robot không người lái, robot chuyên dụng trong ngành giáo dục (đã được sử dụng tại ĐH Seoul), xe điện bán hàng dạo có tủ lạnh bên trong; xe điện nhỏ thu gom rác, xe điện y tế…

Tại sự kiện, đại diện lãnh đạo Trung tâm R&D Oto Chungnam Technopark và các doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự đã bày tỏ mong muốn hợp tác trong hỗ trợ kỹ thuật công nghệ giữa hai nước để phát triển thị trường xe điện, cũng như có những chính sách hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp trong thực hiện các dự án liên quan trong lĩnh vực này.

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông tin, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra thông điệp và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực giảm phát khí nhà kính và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa cam kết này, nhiều giải pháp giúp chuyển đổi năng lượng đã, đang và sẽ tiến hành, trong đó có phát triển xe điện.

“Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia đi sau trong ngành xe điện, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh công nghệ liên quan đến xe điện đang được phát triển rất nhanh, với mức độ hoàn thiện ngày càng cao, mang lại hiệu quả cao hơn về mặt kinh tế, môi trường so với trước đây”, bà Hồng Lan chia sẻ.

Triển lãm thành tựu quốc phòng trên không gian mạng – Videx 2021 diễn ra từ 14-17/12 với quy mô hơn 130 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Sự kiện gồm hoạt động triển lãm và hội chợ thương mại. Trong đó triển lãm ảo sẽ trưng bày các thành tựu tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tập trung các ngành như công nghệ thông tin, công binh, hóa học, hậu cần, y dược quân sự… bao gồm các sản phẩm phần cứng, phần mềm; cầu phao dã chiến, máy xúc chuyên dụng, xe cứu hộ; quân trang, trang bị, dụng cụ y tế…

Các gian trưng bày triển lãm và hoạt động hội chợ thương mại vẫn được tiếp tục duy trì trên nền tảng trực tuyến trong 30 ngày và duy trì tối đa 6 tháng theo nhu cầu đăng ký của đơn vị, doanh nghiệp.