Các lãnh đạo công nghệ cho rằng, trong chuyển đổi số, dữ liệu quý như vàng nhưng doanh nghiệp Việt Nam mới sử dụng được 1% nguồn tài nguyên này.
Mở đầu phiên CTO Talks ngày 18/5, ông Nguyễn Lộc Vũ – CTO của VnExpress, Hoàng Trung Thiên Vương – đồng sáng lập Base.vn; Ngô Minh Quân – Giám đốc Chuyển đổi số của Rikkeisoft và Đặng Việt Hùng – CTO của Smartlog đều chung nhận định doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải chuyển đổi số, nếu muốn tồn tại.
“Chuyển đổi số là xu thế bắt buộc chứ không phải trào lưu. Chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao hiệu suất, tối ưu chi phí, tăng vị thế cạnh tranh mà còn giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng thích ứng trong tương lai. Nếu có bất kỳ biến động nào xảy ra, doanh nghiệp không chuẩn bị thích ứng kịp sẽ bị đẩy đến bờ sụp đổ”, ông Nguyễn Lộc Vũ chia sẻ.
Là người vừa trực tiếp dẫn dắt chuyển đổi số trong công ty lẫn chuyển đổi số cho các khách hàng, Hoàng Trung Thiên Vương, đồng sáng lập của Base.vn cho rằng: “Dữ liệu là vàng của chuyển đổi số. Nhưng ở Việt Nam, 99% dữ liệu ở dạng thô, mới chỉ 1% được xử lý thành nguyên liệu có giá trị. Các doanh nghiệp trong nước phần lớn chỉ dừng lại ở giai đoạn số hóa, chưa đi đến được bước cuối của chuyển đổi số”.
Theo Ngô Minh Quân, Giám đốc Chuyển đổi số của Rikkeisoft, sở dĩ chỉ 1% dữ liệu được xử lý và có giá trị vì các doanh nghiệp chưa biết cách số hoá và cấu trúc thông tin. “Nguyên nhân chính đến từ đội ngũ làm công nghệ trong tổ chức thường mỏng hơn đội ngũ kinh doanh, vận hành. Mặc dù sở hữu dữ liệu, những người này không đủ kiến thức chuyên môn về kinh doanh để báo cáo hoặc khai thác hiệu quả. Đó là lý do các lãnh đạo công nghệ ngoài việc không ngừng nâng cao hiểu biết công nghệ mà còn phải bổ sung thêm các kiến thức về quản lý, kinh doanh để khai thác được tối đa nguồn tài nguyên mình đang nắm giữ”, Minh Quân nói.
Đồng quan điểm, Đặng Việt Hùng – CTO của Smartlog – cho rằng để khai thác tối ưu nguồn dữ liệu, người đứng đầu doanh nghiệp trước tiên phải phân biệt được khái niệm số hoá và chuyển đổi số là khác nhau. Bản thân việc số hoá đã được các doanh nghiệp Việt Nam làm từ nhiều năm trước, ví dụ sử dụng fax, word, excel… thay cho văn bản giấy. Chuyển đổi số diễn ra ở quy mô lớn hơn – đó là chuyện thay đổi về quy trình, biến các dữ liệu thô thành thông tin và chuyển đổi những thông tin này thành quy trình nhằm tối ưu chi phí vận hành, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
Tuy nhiên ông Nguyễn Lộc Vũ cũng lưu ý, dữ liệu đúng là nguồn tài nguyên mới của doanh nghiệp, nhưng việc quan trọng của đội ngũ làm công nghệ là làm sao sử dụng hiệu quả được nguồn tài nguyên này. “Điều này giống bạn đang cầm vàng nhưng không biết sử dụng vào việc gì, thì cầm vàng cũng không để làm gì. Thu thập dữ liệu là cần thiết nhưng phải xác định được doanh nghiệp đang cần gì, loại dữ liệu nào sẽ giải quyết được vấn đề tổ chức cần, tránh thu thập tràn lan, lãng phí công sức”, CTO của VnExpress chia sẻ.
Vì dữ liệu được ví như vàng nên thường xuyên bị tội phạm mạng nhắm đến. Các lãnh đạo công nghệ trong phiên này đều cho rằng cùng với chuyển đổi số, vấn đề bảo mật dữ liệu liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững của doanh nghiệp. “Dữ liệu không chỉ tác động đến người dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính, uy tính của doanh nghiệp. Vì vậy trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp phải liên tục sao lưu dữ liệu, tiến hành rà soát, vá lỗi và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các cuộc tấn công trên môi trường Internet”, CTO của Smartlog nhấn mạnh.