Dữ liệu phòng chống Covid-19 được bảo mật ra sao

Dữ liệu người dùng được mã hóa khi lưu thông, và khi không còn giá trị về mặt dịch tễ sẽ được xoá để đảm bảo quyền riêng tư.

Ngay từ những ngày đầu Covid-19 khởi phát ở Việt Nam, công nghệ đã được ứng dụng trong công tác phòng chống dịch. Các nền tảng, ứng dụng giúp kết nối, trao đổi thông tin cũng sinh ra một lượng dữ liệu khổng lồ. Do đó, việc lưu trữ, liên thông và sử dụng dữ liệu thế nào là vấn đề được người dùng quan tâm.

Bảo vệ an toàn dữ liệu và thông tin cá nhân của người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà phát triển ứng dụng, nền tảng phòng chống Covid-19. Ảnh: Khương Nha

Chia sẻ trong toạ đàm trực tuyến sáng 24/8 trên VnExpress, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Thông tin và truyền thông, khẳng định: “Ở Việt Nam, việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và dữ liệu người dùng đã được chuẩn bị từ trước khi Covid-19 ập đến. Đây là câu chuyện mà 5 năm qua, các cơ quan chức năng tại Việt Nam ý thức rất rõ”. Trong Luật an toàn thông tin mạng năm 2015 có riêng một mục với 5 – 6 điều quy định chi tiết về bảo vệ thông tin cá nhân.

“Khi thiết kế các ứng dụng phòng chống dịch, chúng tôi luôn ý thức rõ về quyền riêng tư, dữ liệu người dùng. Đến thời điểm này, dù rất khó cân đối trong việc bảo mật thông tin người dùng với việc phản ứng nhanh, phù hợp tác chiến trong điều kiện chống dịch ngặt nghèo, các ứng dụng được triển khai thời gian qua luôn chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân từ khâu thiết kế”, ông Dũng nói.

Cụ thể, tất cả dữ liệu của người dân thu thập qua các nền tảng chỉ được dùng trong phòng chống dịch bệnh. Các dữ liệu hết thời hạn sẽ được xóa bỏ khỏi hệ thống. Ví dụ, dữ liệu khai báo y tế sau 14 – 28 ngày không còn giá trị về mặt dịch tễ sẽ được xóa hoàn toàn. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, dù luôn phải thay đổi để theo kịp tình huống thực tiễn, cơ quan chức năng và các nhà phát triển ứng dụng cam kết tuân thủ pháp luật, “đồng thời cũng là đạo đức nghề nghiệp trong việc bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu người dùng”.

Đứng ở góc độ nhà phát triển ứng dụng, ông Vòng Thanh Cường, đồng sáng lập dự án Giúp tôi! chia sẻ: “Để đảm bảo quyền riêng tư của người dùng, ngay từ đầu, chúng tôi đã chia ra làm nhiều loại dữ liệu khác nhau như: Dữ liệu cá nhân, dữ liệu câu hỏi, hành vi. Trong đó, dữ liệu cá nhân được mã hoá toàn bộ, chỉ người đó thông qua số điện thoại, mã OTT mới có thể cập nhật. Ngay cả nhà phát triển cũng không đọc được nội dung này. Chúng tôi cũng cam kết, khi hết thời gian chống dịch, dữ liệu cũng được xoá khỏi hệ thống, không dùng vào việc nào khác”.

Đồng quan điểm với các chuyên gia công nghệ, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Y tế, cho rằng việc chia sẻ dữ liệu trong phòng chống dịch phải được xem xét cẩn trọng. “Thông tin y tế là vấn đề nhạy cảm, ngay cả chia sẻ với người nhà bệnh nhân như thế nào cũng cần cân nhắc trong giai đoạn này”, ông Nam nói.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, dữ liệu dùng trong chống dịch liên quan đến người dùng cá nhân sẽ được xoá hoàn toàn. Còn dữ liệu liên quan đến dịch bệnh sẽ được xem xét, bóc tách hợp lý để phục vụ nghiên cứu, dự báo điều trị hiệu quả. “Ngay cả khi dịch bệnh qua đi, xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới thì vẫn cần có những bộ công cụ để ổn định cuộc sống. Sau này, khi có bất kỳ đợt dịch nào khác, chúng ta cũng sẵn sàng để ngăn chặn, phòng chống dựa trên những dữ liệu đã được phân tích, nghiên cứu”, ông Nam nhận định.

Tọa đàm trực tuyến “Kết nối trong đại dịch” diễn ra từ sáng 24/8, bàn về việc công nghệ làm được và chưa làm được gì trong việc kết nối thông tin. Chương trình có sự tham gia của các diễn giả là ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Thông tin và truyền thông; ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Y tế; ông Vòng Thanh Cường – CEO Kompa Group; và ông Nguyễn Đình Quân – Kỹ sư quản lý dự án, Tập đoàn Thyssenkrupp Industrial Solution AG.