Game – đấu trường mới của các ‘ông lớn’ công nghệ

Việc Microsoft mua lại Activision với giá 68,7 tỷ USD được dự đoán sẽ kích hoạt một cuộc đua mới trong ngành game với sự tham gia của Big Tech.

Giáo sư Kathryn Rudie Harrigan tại Đại học Columbia nhận xét thương vụ giữa Microsoft và Activision “như đòn phủ đầu nhằm giành lấy vị trí dẫn đầu” trước Meta, công ty mẹ của Facebook, trong vũ trụ ảo. “Việc mua lại Activision mang đến cho Microsoft cơ hội bước vào metaverse trước Facebook”, bà nhận định.

Theo các chuyên gia trong ngành, sự “tất tay” của tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới có thể thúc đẩy hàng loạt hãng công nghệ khác chi tiền để tham gia, từ đó định hình lại ngành game rộng lớn.

“Giới hạn đang bị phá bỏ. Áp lực trong ngành game đang tương đương với cuộc chiến giữa các nhà cung cấp video trực tuyến với ngành kinh doanh truyền hình và phim”, Bing Gordon, chuyên gia về game lâu năm, nói trên Financial Times. “Ai đó sẽ tạo ra một dịch vụ trò chơi với hàng trăm triệu người đăng ký”.

Lĩnh vực game ngày càng hấp dẫn các công ty công nghệ hàng đầu. Ảnh: FT

Metaverse đang được nhìn nhận như là bước tiến tiếp theo của Internet và game là một trong những con đường chính dẫn đến vũ trụ ảo này. “Game đang là lĩnh vực tăng trưởng mạnh, đồng thời gắn liền với các tham vọng về metaverse trong tương lai gần”, Michael Wolf, một nhà tư vấn truyền thông, nói.

Cũng theo ông, thế giới ảo trong trò chơi đang được mở rộng để có thể làm mọi thứ, không chỉ giải trí mà còn cả mua sắm, kinh doanh. Có nghĩa, game sẽ trở thành đấu trường quan trọng với các công ty Big Tech nếu muốn duy trì vai trò trung tâm của họ trong cuộc sống kỹ thuật số của hàng tỷ người dùng.

Lĩnh vực hái ra tiền

Ngành công nghiệp game hiện đạt giá trị khoảng 180 tỷ USD, gấp đôi so với ngành công nghiệp điện ảnh. Các trò chơi như Call of Duty, World of Warcraft và Candy Crush mà Activision sở hữu hiện thu hút hàng trăm triệu người tham gia. Chúng được phân phối qua nhiều nền tảng như thiết bị chơi game cầm tay, PC, smartphone… và được tối ưu hóa kiếm tiền thông qua quảng cáo, mua hàng trong game hoặc các gói đăng ký.

“15 năm trước, lĩnh vực game có hơn 200 triệu người chơi trên thế giới. Ngày nay, số lượng đã tăng lên 2,7 tỷ”, Neil Campling, nhà phân tích tại Mirabaud Securities, cho biết.

Doanh thu phòng vé năm 2021 chưa tới 20 tỷ USD, trong khi riêng mảng game di động đã đạt 93 tỷ USD năm ngoái. Nguồn: Box Office Mojo/Newzoo

Call of Duty – game “bom tấn” của Activision, tạo ra bước nhảy vọt khi chuyển từ máy chơi game và PC sang di động – thị trường đã bùng nổ với doanh thu lớn ngang ngửa mảng kinh doanh console và PC cộng lại.

Một số công ty công nghệ lớn đã có nguồn thu liên quan đến game, dù họ chưa tự sản xuất trò chơi. Chẳng hạn, cửa hàng ứng dụng dành cho thiết bị di động của Apple và Google, hay các kênh Twitch của Amazon và YouTube của Google chuyên phát các video về trò chơi điện tử, hoặc kính Oculus của Meta phục vụ thị trường thực tế ảo non trẻ. Apple cũng đã ra nền tảng Arcade chuyên về game cho người dùng iOS và iPad năm 2019.

Sự hoài nghi trong ngành

Theo một số nhà phân tích trong ngành, thương vụ của Microsoft với Activision chỉ thể hiện sự tăng cường của cuộc chiến giữa Xbox của Microsoft và PlayStation của Sony, chứ không phải là điềm báo về biến động lớn hơn sắp xảy ra. “Các tác động chính, nếu có, chỉ là việc gia tăng cạnh tranh về máy chơi game console thay vì chuyển từ lĩnh vực này sang cuộc chiến trên đa nền tảng”, Pelham Smithers, nhà phân tích về game lâu năm, đánh giá.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý có thể không bỏ qua động thái của Microsoft. Theo một số nguồn tin, thoả thuận giữa Microsoft và Activision sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý và có thể mất 18 tháng để hoàn tất. Hiện các công ty như Google, Apple và Meta bị điều tra chống độc quyền của chính phủ Mỹ, trong khi Microsoft vẫn đứng ngoài. Dù vậy thương vụ có thể sẽ đưa hãng phần mềm Mỹ trở lại tầm ngắm, khiến vụ mua bán mất thời gian lâu hơn hoặc không thể hoàn thành.