Vài tháng trở lại đây, làn sóng mới của dịch Covid-19 liên tục có những diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động đối với toàn xã hội.
Nhiều khu vực, tỉnh, thành phố đã phải phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội nhằm hạn chế rủi ro lây lan của dịch Covid-19. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thói quen sinh hoạt của người dân, trong đó có thói quen mua sắm.
Trao đổi với Dân trí, đại diện các sàn thương mại điện tử lớn đều nhận định rằng người dân tại Việt Nam đang có xu hướng mua sắm online nhiều hơn đối với tất cả các mặt hàng, nhằm đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày.
Người dân tại Việt Nam đang có xu hướng mua sắm online nhiều hơn đối với tất cả các mặt hàng.
Trong báo cáo quý II/2021, Lazada cho biết lượng khách hàng truy cập mỗi ngày của sàn TMĐT này đã tăng gấp đôi, lượng đơn hàng tăng gấp ba lần và số lượng người mua sắm qua ứng dụng tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, số lượng nhà bán hàng tham gia kinh doanh cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã thúc đẩy làn sóng số hóa diễn ra tích cực nhằm khai thác hiệu quả nguồn doanh thu từ các kênh mua sắm trực tuyến, đặc biệt là nền tảng TMĐT. Trên thực tế, không chỉ riêng tại TPHCM và Hà Nội, số lượng nhà bán hàng ở các khu vực khác tham gia kinh doanh cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái”, đại diện Lazada cho biết.
Hai sàn TMĐT khác là Tiki và Shopee cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về doanh số cũng như số lượng người dùng trong vài tháng qua.
“Sau 6 tuần giãn cách, ngành hàng thực phẩm tươi sống đã ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục đến hơn 10 lần so với trước lúc bùng dịch trên cả nước. Để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu mua sắm đa dạng và tăng cao, chúng tôi đã lên kế hoạch và thực hiện chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cả về lượng và chất cũng như giá cả”, đại diện Tiki chia sẻ với Dân trí.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, thương mại điện tử được xem là một kênh mua sắm an toàn cho người dân ở nhà chống dịch và tạo môi trường kinh doanh bền vững cho các nhà bán hàng.
Tất cả danh mục ngành hàng đều có sự tăng trưởng mạnh về doanh số.
Hiện tại, ở ngành hàng tiêu dùng, các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, đồ dùng chống dịch (khẩu trang, nước rửa tay) hay thực phẩm khô (bánh, kẹo, mì tôm) có doanh số rất tốt. Ngoài ra, nhóm hàng thiết bị điện tử, đồ chơi tại nhà cũng có mức tăng trưởng gấp 2-3 lần so với trước đây.
“Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, người dân được khuyến khích ở nhà và thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều người dùng đã chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến để phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của họ. Điều này đã thúc đẩy mạnh sự tăng trưởng đối với tất cả danh mục ngành hàng, nổi bật là các mặt hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đồ điện tử và đồ gia dụng”, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Shopee Việt Nam, cho biết.