Làm IT lương cao không cần học trường top

Không nhất thiết phải đua vào trường top mới có thể học và làm tốt lĩnh vực công nghệ thông tin.

Xung quanh câu chuyện ‘Đạt 30 điểm mới nên đăng ký ngành Khoa học máy tính của Bách khoa’, độc giả Tuoithantienchukodien cho rằng, : “Tôi thấy các em muốn theo ngành công nghệ thông tin, cụ thể là lập trình, không nhất thiết phải học trường top. Bản thân tôi học IT ở Đức cũng thấy giáo trình của họ cơ bản giống các trường ở Việt Nam và các trường ở Mỹ (các trường cũng viết giáo trình dựa trên những cuốn sách kinh điển về IT mà thôi).

Khác biệt chủ yếu là các bạn sinh viên phương Tây thường rất chủ động hỏi bài giáo sư trong giờ và kể cả đặt lịch hẹn hỏi ngoài giờ, đi thực tập, xin việc, trau dồi kiến thức. Vậy nên tôi nghĩ, ngành IT khác nhau không nằm ở học trường nào vì thế giới hiện tại là thế giới phẳng và kiến thức IT thì rất dễ tiếp cận, mà khác biệt là ở thái độ người học.

Nhiều bạn bè của tôi không làm đúng chuyên ngành học do họ chỉ chăm lo lúc đầu vào. Đỗ đại học rồi, các bạn không hề có quyết tâm học hành, định hướng tương lai, dẫn đến ra trường vẫn mông lung không biết làm gì, cuối cùng chọn làm trái ngành. Suy cho cùng, mục tiêu của chúng ta là đào tạo ra kỹ sư có năng lực làm việc, nên cần thắt chặt đầu ra hơn là đầu vào.

Ngoài ra, học IT mà tiếng Anh kém thì khó mà giỏi được, kể cả bạn có học trường top. Tài liệu hãng đưa ra, sách nghiên cứu, khóa học trên Internet toàn tiếng Anh. Chưa kể làm IT muốn giỏi phải luôn trau dồi kiến thức từ Internet hoặc nói chuyện với đối tác nước ngoài. Thế nên, các bạn không đậu Bách Khoa thì có thể học trường khác, trau dồi thêm tiếng Anh, tiếng Nhật…, tự học, tự khám phá thêm những kiến thức mới thì tôi tin ra trường vẫn hoàn toàn tự tin kiếm việc lương cao”

Đồng quan điểm, bạn đọc Pham Van Duy chỉ ra yếu tố làm nên thành công của một kỹ sư IT không năm ở việc học trường top: “Học trường nào không quá quan trọng mà là học xong bạn làm được gì? Xuất phát điểm cao chưa chắc đã thành công. Có rất nhiều trung tâm đào tạo lập trình uy tín, theo chương trình của Mỹ, Ấn Độ, học xong có thể làm được rất nhiều dự án lớn. Những người thi được điểm cao, là người rất thông minh, chăm chỉ, có kế hoạch cho tương lai, nếu các em này duy trì phương thức này, chắc chắn sẽ thành công ở mọi mặt trận, chứ không phải cứ học trường điểm cao mới thành công.

Các ông ty lớn thường quan tâm đến bạn đã tham gia xây dựng dự án nào? Họ xem dự án giá trị bao nhiêu? Chứ chẳng ai quan tâm nhiều đến bạn học trường nào? Còn các công ty không quan tâm đến dự án của bạn đã làm thì chỉ có thể là công ty mới, họ cần người vào để đào tạo lại từ đầu, không phải cần các chuyên gia có thể tác chiến ngay. Nếu nhà tuyển dụng cứ dựa vào tiêu chí học trường nào để tuyển người thì sẽ bỏ qua rất nhiều nhân tài.

Thế nên, các bạn nếu không vào được trường top, vẫn có thể học trường bình thường và tham gia thêm các khóa đào tạo, xây dựng các dự án tốt. Khi ra trường, chắc chắn sẽ có công ty tuyển ngay. Con đường đến với thành công ngoài thông minh, chăm chỉ, kiên trì theo đuổi đam mê ra còn có thêm yếu tố cơ hội nữa.

Tôi đồng ý rằng sinh viên tốt nghiệp trường top sẽ được coi trọng hơn, vì dù sao họ cũng đã vượt qua khá nhiều thử thách. Thế nhưng, tôi vẫn khuyên các bạn nên học song song cùng lúc cả đại học và trang bị cho mình kinh nghiệm khi còn là sinh viên. Nhờ đó, khi ra trường các bạn sẽ được tiếp cận nhanh với thực tế hơn.

Những bạn không có cơ hội trúng tuyển vào các trường top cũng không nên quá buồn, đó không phải là tất cả. Hãy hoạch định tương lai cho mình và theo đuổi đam mê, chắc chắn sau này thành công sẽ đến”.