Diễn giả tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam chia sẻ những câu chuyện “người thực việc thực” về một số doanh nghiệp thành công nhờ sớm chuyển đổi số.
Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 diễn ra trong hai ngày 14 – 15/12 tại Hà Nội. Trong sự kiện, ông Andrew Edward Williamson, Phó Chủ tịch Huawei, khẳng định quá trình chuyển đổi số đang giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Ông nêu ví dụ về hai công ty có quy mô trung bình ở Trung Quốc: “Đầu tiên là một đại lý mỹ phẩm với hàng trăm cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên trong đại dịch, 40% cửa hàng đóng cửa khiến họ chao đảo một thời gian.
Sau đó, họ chuyển tất cả hoạt động kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh trực tuyến. Tất cả nhân viên tư vấn mỹ phẩm chuyển sang sử dụng công cụ online như WeChat để tương tác với khách hàng. Họ từng bước khôi phục hoạt động và còn phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt tại Vũ Hán, khu vực phát sinh đại dịch và bị ảnh hưởng nặng nề nhất, công ty này đạt tốc độ tăng trưởng 200% trong năm nay so với 2019 nhờ chuyển sang mô hình trực tuyến”.
Ví dụ thứ hai là nền tảng khám chữa bệnh We Doctor. Trong Covid-19, người bệnh thường e ngại đến bệnh viện, còn các cơ sở y tế cũng bị quá tải. Vì vậy, We Doctor cung cấp một hệ thống video để bệnh nhân tương tác trực tiếp với bác sĩ từ xa, nhờ đó đạt tốc độ tăng trưởng 36% với hơn 10 triệu bệnh nhân sử dụng thường xuyên.
Theo đại diện Huawei, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ chần chừ đổi mới do thiếu kỹ năng về chuyển đổi số, thiếu nhận thức về lợi ích từ chuyển đổi số và nhất là thiếu hụt về mặt tài chính. Tuy nhiên, những ví dụ nêu trên cho thấy nếu ứng dụng đúng cách, những khoản đầu tư nhỏ cũng có thể mang lại lợi ích lớn.
“Chuyển đối số không phải giải pháp vạn năng, giải pháp chung cho các ngành. Mỗi doanh nghiệp có đặc thù khác nhau, do đó sẽ có kiểu chuyển đổi số khác nhau. Chẳng hạn ngành công nghiệp nặng như sản xuất, chế tạo sẽ ứng dụng chuyển đổi số làm tự động hóa, robot, IoT để nâng cao hiệu suất. Trong khi đó, những ngành ít dựa vào tài sản vật chất như du lịch sẽ dùng công nghệ như di động hoặc mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng”, ông Williamson nói.
Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc FPT, cũng kể câu chuyện chuyển đổi số của một công ty cho vay tiêu dùng lớn thứ hai Việt Nam. Công ty này có hơn 12 triệu khách hàng, nhưng số lượng nhân viên chăm sóc khách hàng, trực tổng đài lại hạn chế. Sau khi sử dụng nền tảng FPT.AI để xây dựng giải pháp hỗ trợ và thay thế nhân viên chăm sóc khách hàng, hệ thống của công ty có thể thực hiện các cuộc đối thoại tự động (chatbot) như với người thật và liên tục 24/7. Nhờ đó, công ty có thể xử lý 300.000 cuộc gọi mỗi tháng, tăng 40% năng suất, giảm 50% chi phí nhân sự và viễn thông.
Theo ông Việt Anh, để chuyển đổi số thành công cần chọn phương pháp luận chuyển đổi số đúng ngay từ đầu, quyết liệt thực thi chuyển đổi hệ thống CNTT và kiên trì chuyển đổi nguồn nhân lực số.
“Chuyển đổi số sẽ tiếp tục là xu hướng quan trọng của thế giới, kể cả khi đại dịch qua đi. Trong giai đoạn khó khăn, thách thức nhất, công nghệ chính là chìa khoá để mở ra cơ hội phát triển, tối ưu hóa vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong trạng thái bình thường tiếp theo, việc chuyển đổi này sẽ còn phát huy tác dụng mạnh mẽ, to lớn hơn, giúp doanh nghiệp nắm giữ vai trò kiến tạo, xây dựng và định hình nên những thực tại mới”, đại diện FPT nhấn mạnh.