“Người Việt thích ứng dụng công nghệ, không thích sáng tạo”

Nếu ví công nghệ điện tử là phần cán, IT là phần lưỡi, thì người Việt chủ yếu nắm đằng lưỡi, thậm chí chỉ là một mẩu của cái lưỡi.

Để làm game, bạn phải có ý tưởng. Từ ý tưởng viết ra được cốt truyện, xây dựng lên kịch bản. Từ kịch bản bắt đầu vẽ ra phông nền, nhân vật, vũ khí… Cuối cùng mới đến lập trình. Quy trình có nhiều vị trí, cần nhiều người, nhiều nghề khác nhau hợp lại mới tạo ra game. Một chuỗi người nhiều ngành nghề khác nhau tạo thành một nền công nghiệp. Còn ta ai ở nghề nào biết nghề đó, ít có sự liên kết, không hợp lại với nhau thành chuỗi công việc được. Càng đi vào ứng dụng thực tế lại càng rời xa công nghệ cơ bản.

Muốn viết ra hệ điều hành phải am hiểu nguyên lý vận hành và cấu trúc các tập lệnh của CPU, GPU, cầu bắc, cầu nam của mainboard. Trong khi người Việt hầu hết viết được phần mềm chạy trên nền hệ điều hành.

Bạn tôi là người chuyên viết phần mềm, thâm niên 25 năm, hưởng lương 3.000 USD mỗi tháng. Anh ta nói, nghề này “bèo” nhất trong mảng IT. Mức lương đó có thể to với người Việt, chứ với các quốc gia có công nghệ nguồn thì rất thấp. Phần lớn phần mềm mà anh ta viết, chính bản thân anh cũng không hiểu nó dùng để làm gì? Người đặt hàng thiết kế ra một phần mềm lớn, chia làm nhiều gói, giao cho nhiều người khắp nơi trên thế giới viết. Mỗi người viết một phần thì làm sao hiểu được sản phẩm cuối cùng của họ dùng để làm gì?

Mỗi loại sản phẩm điện tử chỉ cần một lần viết phần mềm. Chúng ta bán công viết còn họ nạp phần mềm hoàn chỉnh vào sản phẩm, bán sản phẩm ấy ra hàng triệu, hàng chục triệu đơn vị, họ lời biết bao nhiêu. Anh ta nói vui, công nghệ điện tử là phần cán, công nghệ IT là phần lưỡi. Việt Nam chính là nắm phần lưỡi, thậm chí chỉ là một mẩu của cái lưỡi, còn không được cả cái lưỡi hoàn chỉnh. Người nắm cán ăn 60% miếng bánh, người có cái lưỡi ăn 40%. Một mẩu của cái lưỡi thì chắc chỉ cỡ 3 đến 5% là cùng.

Lâu nay, phần mềm mà chúng ta viết là thứ xương xẩu, khó nhằn, khắp thế giới chê, không ai chịu làm. Bây giờ, có dịch Covid-19, cái phần xương xẩu ấy cũng ngày càng ít đi. Lương 3.000 USD không phải là thu nhập của anh ta. Thưởng theo năng suất có khi gấp sáu lần lương. Trước dịch, anh ta còn “kén cá chọn canh”, phần mềm nào công cán cao mới chịu viết. Bây giờ, có việc đã may, thu nhập cao thấp gì cũng làm.

Nói như vậy để biết, ngành IT của ta bây giờ tuy có lương cao nhưng rất bấp bênh, phần lớn phụ thuộc vào đơn hàng của nước ngoài. Nếu chẳng may không còn ai đặt hàng nữa (cạnh tranh nhân lực, cạnh tranh giá cả) thì ngành IT của ta chắc chắn “treo niêu”.