Nhân viên cũ Facebook: ‘Instagram nguy hiểm hơn các mạng xã hội khác’

Frances Haugen, người tố cáo công ty cũ Facebook chạy theo lợi nhuận thay vì bảo vệ người dùng, cho rằng Instagram nguy hiểm hơn các nền tảng mạng xã hội khác.

Cựu quản lý sản phẩm Facebook Frances Haugen vừa tới London, Anh để điều trần trước nghị viện nước này về những mối nguy hiểm mà mạng xã hội đem lại.

Trước Ủy ban an toàn trực tuyến của Quốc hội Anh, Haugen nhận định Facebook “rõ ràng làm tình trạng thù ghét ngày càng tệ hơn”. Cô cũng cho rằng Instagram, mạng xã hội thuộc sở hữu của Facebook “nguy hiểm hơn các hình thái mạng xã hội khác”.

“Instagram mang lại sự so sánh về cơ thể, địa vị xã hội, lối sống, và điều đó rất tệ với trẻ em”, Haugen nhận định.

Facebook và Instagram gây nguy hiểm cho người dùng thế nào?

Theo Haugen, những nghiên cứu trước đó do Facebook tự thực hiện đều đi đến kết luận về vấn đề của mạng xã hội này, đó là nó gây nghiện một cách tiêu cực.

“Tôi lo rằng không thể khiến cho Instagram an toàn đối với trẻ 14 tuổi, và thực sự không tin rằng họ có thể làm mạng xã hội này an toàn cho trẻ 10 tuổi”, Haugen nói trong phiên điều trần.

Frances Haugen chia sẻ về mối nguy hiểm của Facebook trước Quốc hội Anh. Ảnh: Quốc hội Anh.

Cô cũng nói tới hạn chế về kiểm soát nội dung với các ngôn ngữ không phải tiếng Anh của Facebook. Haugen cho rằng đây cũng là vấn đề nghiêm trọng với nước Anh.

“Tiếng Anh – Anh có sự khác biệt đủ lớn, nên tôi sẽ không ngạc nhiên nếu những hệ thống được phát triển dựa trên tiếng Anh – Mỹ không hoạt động hiệu quả”, Haugen nhận định.

“Người thổi còi” Frances Haugen công khai thân phận vào đầu tháng 10, sau một thời gian bí mật gửi tài liệu nội bộ của Facebook cho truyền thông và một số cơ quan quản lý tại Mỹ.

Là người từng làm việc tại bộ phận chống tin giả, trực tiếp sử dụng các thuật toán của Facebook, cô có hiểu biết rất rõ về công nghệ của Facebook so với những người tiết lộ tin mật trước đó.

Cô cho rằng Facebook “rất giỏi điều chỉnh dữ liệu”, nhưng nhìn chung mạng xã hội này thường hướng người dùng đến các nội dung cực đoan. Do đó, sẽ có một nhóm nhỏ người dùng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi sử dụng Facebook.

“Trải nghiệm trung bình trên Facebook khá tốt. Nguy hiểm thật sự nằm ở nhóm 20% số người sử dụng, những người gặp trải nghiệm tệ hại, thậm chí là nguy hiểm”, Haugen chia sẻ.

Facebook không chịu tự thay đổi

Vấn đề của Facebook, theo cựu nhân viên này, là những lãnh đạo của công ty này không tiếp nhận những đóng góp từ phía nội bộ. Bản thân cô cũng không thể tin tưởng người quản lý trực tiếp của mình, do đó những vấn đề mà cô tìm ra đã không được giải quyết triệt để.

Ủy ban kiểm soát độc lập, nhóm các chuyên gia do Facebook thuê về để góp ý về các chính sách, cũng có vấn đề tương tự. Haugen cho rằng lãnh đạo Facebook đã không trung thực với những người được giao nhiệm vụ kiểm soát, khiến họ không thể thực hiện công việc của mình.

“Tôi không hiểu nhiệm vụ của ủy ban đó là gì”, Haugen cho biết.

Frances Haugen cho rằng quyền lực của Mark Zuckerberg khiến ủy ban kiểm soát độc lập của Facebook không thể thực sự thay đổi công ty này. Ảnh: Getty.

Ủy ban an toàn trực tuyến của Quốc hội Anh đang xem xét đưa ra bộ luật quy định về các nghĩa vụ của mạng xã hội. Haugen cho rằng Anh đang đi rất nhanh trong việc kiểm soát quyền lực của mạng xã hội, và điều đó sẽ làm CEO Facebook Mark Zuckerberg lo lắng.

“Nước Anh có truyền thống đưa ra những chính sách đi đầu, được những nước khác sao chép. Tôi nghĩ Mark chắc hẳn đang phải chú ý tới việc này”, cựu nhân viên Facebook nhận định.

Trước những cáo buộc của Frances Haugen, Facebook cho rằng sự thật không phải như vậy. Đại diện công ty cho rằng họ luôn cố loại bỏ các nội dung nguy hiểm, bởi điều đó mang lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho Facebook.

Là người từng làm việc tại bộ phận chống tin giả, Frances Haugen hiểu rõ cách thuật toán của Facebook hoạt động. Ảnh: New York Post.

Sau khi Haugen tiết lộ những nghiên cứu nội bộ, nhiều tài liệu khác của Facebook rò rỉ trong tuần qua. Những tài liệu này cho thấy vai trò của mạng xã hội này với nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới, từ châu Á đến châu Phi.

Theo BBC, những tài liệu đều theo kịch bản quen thuộc, đó là nhân viên Facebook nêu lên lo ngại, tuy nhiên bộ máy lãnh đạo của công ty này dường như làm ngơ các góp ý. Tuy vấn đề này đã được đưa ra từ lâu, người ngoài khó biết được mức độ cụ thể. Chỉ tới khi Frances Haugen xuất hiện, truyền thông và các nhà làm luật mới hiểu rằng Facebook không quan tâm tới những đóng góp của nhân viên.