Chọn ngành học phù hợp, phát huy khả năng tự học… là những cách đơn giản để tiết kiệm thời gian, công sức và sớm thành công.
Đó là những lời khuyên xuyên suốt mà các chuyên gia đã chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến “Học gì để tiết kiệm đời mình” do FUNiX tổ chức vào ngày 24/4 vừa qua.
Chọn ngành học phù hợp
Hơn 90 phút của chương trình giao lưu trực tuyến, các chuyên gia đã tiếp nhận nhiều chia sẻ thể hiện sự băn khoăn, lo lắng quanh vấn đề học tập, chọn ngành, chọn nghề… của nhiều người trẻ trước ngưỡng quan trọng của cuộc đời – đại học.
Chị Lê Minh Đức, Giám đốc thương mại của FUNiX nhận định, khi nghĩ tới việc học thì cần phải làm rõ, đi học ở đây là theo khía cạnh nào. Nếu học không đúng điều xã hội cần, học lấy hình thức, học ngành không phù hợp, thì học thậm chí là lãng phí thời gian. Việc học đúng hướng, đúng kiến thức cần thiết, là cách nâng cấp bản thân tốt nhất.
Theo CTO FPT Lê Hồng Việt, các bạn trẻ nên tận dụng thời gian để học được nhiều hơn thông qua các phương pháp online, tự học, và mentoring
Phát huy khả năng tự học
Anh Lê Hồng Việt – CTO tập đoàn FPT đưa ra lời khuyên: “Muốn tiết kiệm thời gian, nên phát huy tối đa khả năng tự học. Tự học tại trường, tự học trên mạng. Các bạn nên tận dụng thời gian học đại học để học được nhiều hơn thông qua các phương pháp online, tự học, và mentoring”.
Với dẫn chứng là câu chuyện của bản thân, Diệp Thanh Tú, cựu sinh viên FUNiX đang là lập trình viên FPT Software sau 2 chứng chỉ của trường chia sẻ: “Cứ học rồi làm luôn thì vẫn vững hơn là học quá nhiều kiến thức nhưng chưa áp dụng được ngay”.
Thay vì mất 4 năm học đại học rồi mới tìm việc như nhiều bạn bè, Tú nay đã là một lập trình viên khi tuổi đời còn trẻ, có thu nhập ổn định đồng thời vẫn không ngừng học tập để trở thành một chuyên gia giỏi trong nghề.
Tú nhận ra, cứ làm và nhận việc, việc nào không biết thì tự tìm tòi nghiên cứu, như vậy bản thân có thể tiến rất xa vì kiến thức học xong áp dụng được ngay, mà không tốn quá nhiều thời gian. Tú cũng khẳng định, không phải bằng cấp không có ý nghĩa. Tuy nhiên, các sinh viên học FUNiX như Tú không gặp trở ngại khi học nhanh và đi làm ngay, vì bạn vẫn có thể học online trong lúc đi làm để lấy bằng đại học sau.
Diệp Thanh Tú đang là lập trình viên trẻ nhất tại FSoft hiện nay, sau khi hoàn thành 2 chứng chỉ tại FUNiX
Từ góc độ doanh nghiệp, anh Lê Hồng Việt cũng thể hiện chung quan điểm, FPT coi trọng người tài, không quá coi trọng bằng cấp. Tuy nhiên, anh cũng khuyên người trẻ nên học đại học, vì chương trình đại học mang lại những kiến thức căn bản mà mỗi người cần. “Việc đi học không có nghĩa bạn không thể đi làm, việc lựa chọn phương án học sẽ giúp bạn đạt cả hai, tuy sẽ vất vả hơn. FUNiX là một mô hình giúp bạn đạt cả 2 yếu tố”, anh Việt nhận định.
Trước băn khoăn về việc chọn nghề ngay từ đầu thế nào cho đúng, chị Lê Minh Đức bày tỏ, để đánh giá phù hợp hay không phụ thuộc nhiều yếu tố và các yếu tố có thể biến động tuỳ thời điểm. Ví dụ: năng lực, đam mê, đòi hỏi từ xã hội… Nếu không thử sức mà chỉ suy đoán thì không bao giờ có câu trả lời.
Chị Lê Minh Đức – Giám đốc Thương mại FUNiX cho biết: “Là trường đại học đầu tiên đào tạo CNTT trực tuyến, FUNiX đã chứng kiến nhiều bạn trẻ thành công với lựa chọn vừa học vừa làm”.
Với các bạn trẻ đang cảm thấy đuối sức, mỏi mệt với những việc mình đang làm, chị Đức khuyên: “Hãy mạnh dạn nỗ lực. Nỗ lực nào cũng có vất vả, nhưng được vất vả với việc mình thích là điều tuyệt vời. Khi bạn còn trẻ, bạn không có gì để mất, bạn có rất nhiều cơ hội, thay đổi là điều tốt. Muốn thành công bạn cần xoay sở, sự vất vả trong quá trình đó chính là điều khiến bạn lấy lại niềm tin, niềm vui, niềm hứng khởi và sẽ là lòng tự tin”.
Với những bạn trẻ đang băn khoăn về định hướng nên học gì và đại học có phải con đường thành công duy nhất, khách mời buổi tư vấn bày tỏ, học đại học cũng là học một nghề. Có một nghề vững chắc, làm bất cứ việc gì thì tập trung làm đến nơi đến chốn, và yêu thích nó là điều tốt nhất, không quan trọng là đi bằng con đường nào. Chị Lê Minh Đức cho biết thêm, nhiều sinh viên đang học đại học tại FUNiX, nhưng đã đặt mục tiêu thuần thục kỹ năng để đi làm nhiều hơn cả mục tiêu học lấy bằng.