9h30 ngày 6/9, lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội sẽ giải đáp về ứng dụng bệnh viện, chăm sóc sức khỏe thông minh.
Tham gia tư vấn trực tuyến có ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội và lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng (Hà Nội).
Chăm sóc sức khỏe thông minh, bệnh viện thông minh, quản trị y tế thông minh là 3 lĩnh vực quan trọng Bộ Y tế đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiệm vụ trọng tâm là giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là tuyến trung ương.
Nhiều bệnh viện áp dụng các phần mềm quản lý giúp giảm thời gian thời gian đăng ký; kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm được số hóa… Ngày càng có nhiều kỹ thuật hiện đại được ứng dụng như dùng robot hỗ trợ ca mổ, trí thông minh nhân tạo, hội chẩn từ xa.
Phẫu thuật viên điều khiển các cánh ray robot mổ nội soi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Nhờ áp dụng phần mềm FPT.eHospital, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trung bình mỗi bệnh nhân chỉ mất 15 giây đến một phút cho thủ tục đăng ký. Ở Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian cho phần đăng ký của mỗi bệnh nhân dịch vụ chưa đến 15 giây. Bác sĩ xem kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh ngay lập tức tại các khoa, phòng khám. Thời gian đăng ký khám chữa bệnh giảm hẳn, trung bình từ 4 phút xuống dưới một phút, đặc biệt với bệnh nhân từng khám thì chỉ còn 15 giây.
Hiện việc quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế đã kết nối liên thông hệ thống thông tin y tế giữa 63 sở y tế, 63 cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thành và hàng nghìn cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế trên cả nước.
Bộ Y tế cũng đã ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tiêu chí của bệnh viện thông minh.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ứng dụng công nghệ cần hướng đến việc đem lại sự hài lòng cho người dân và các y bác sĩ trong quá trình sử dụng. Chẳng hạn phần mềm bệnh viện thông minh cần đáp ứng được các yêu cầu như: thủ tục đơn giản, giảm thời gian chờ đợi, công khai, minh bạch…
Kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử năm 2017 cho thấy, Bộ Y tế đứng đầu các Bộ về cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin. Trong kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% bệnh viện trực thuộc Bộ có hệ thống đăng ký khám, chữa bệnh điện tử và hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, có ít nhất một bệnh viện khám chữa bệnh hoàn toàn trên môi trường điện tử.