Người dân có thể tìm mua các combo hàng hóa qua các trang web đi chợ giúp dân, ứng dụng mua sắm hay các hội nhóm trên mạng xã hội.
Trên trang web của UBND phường 8, quận 10, TP HCM, người dân có thể tuỳ chọn mua sắm tại siêu thị Big C, Satra Food hoặc Coop Xtra. Danh mục hàng hóa được bán dưới dạng combo trái cây, rau củ, đồ tươi sống… Sau khi hoàn tất đơn hàng, người mua cũng có thể chọn phương thức thanh toán là chuyển khoản hoặc trả tiền trực tiếp.
Trang web đi chợ giúp dân đang được phường 8, quận 10, TP HCM triển khai. Ảnh: Khương Nha
Trần Tuấn, kỹ sư xây dựng hệ thống web đi chợ giúp dân cho Phường 8, Quận 10, cho biết nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao khi thành phố siết chặt giãn cách. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết cách đặt hàng, trong khi hệ thống hỗ trợ của phường bị quá tải trong việc thống kê nhu cầu của người dân. Từ đó, dự án đi chợ giúp dân ra đời.
Trang web là nền tảng trung gian, kết nối người dân với siêu thị và chính quyền địa phương. Bằng việc cam kết từ ba bên, người dân có thể yên tâm mua sắm, không lo bị thiếu hàng hay nâng giá. Bên cung ứng thực phẩm cũng không sợ bị “bom hàng” vì phường đứng ra làm trung gian đặt hàng, thu tiền và vận chuyển hàng hoá. Cơ quan chức năng thông qua hệ thống cũng sẽ nắm bắt được chi tiết nhu cầu của người dân, đảm bảo việc cung ứng nhu yếu phẩm được thông suốt.
Bên cạnh các trang web đi chợ giúp dân, nhiều trang thương mại điện tử cũng bắt đầu triển khai các combo đi chợ. Trên sàn Voso, Sendo…, người dùng có thể chọn mua nhiều gói khác nhau từ thực phẩm từ rau củ, thịt tươi sống đến đồ gia dụng. Các sàn thương mại điện tử thưởng không trực tiếp giao hàng mà thông qua một đơn vị vận chuyển, thời gian giao hàng khoảng hai ngày kể từ khi đặt. Điểm cộng là người dùng có nhiều lựa chọn và giá cả cạnh tranh hơn, tuy nhiên các mặt hàng thường hết sớm. Nhiều người cho biết, họ không thể đặt hàng do người bán không hỗ trợ giao sản phẩm đến địa chỉ người mua.
Trong khi đó, trên ứng dụng của các siêu thị lớn như Bách hoá xanh, Mega Market, ST25, Lottemart…, người dùng cũng có thể mua các gói thực phẩm, hàng hoá. Các combo này có giá từ vài trăm đến hơn một triệu đồng, có thể sử dụng trong vài ngày đến một tuần. Điểm thuận lợi của việc mua sắm qua ứng dụng là người dân có thể chủ động lựa chọn combo, không hạn chế số lượng và dễ dàng thanh toán. Hàng hoá sau khi đặt thành công sẽ được chuyển về từng phường để đội ngũ tình nguyện viên địa phương giao đến nhà người dân. Điểm hạn chế là những người dùng mới, chưa có tài khoản sẽ phải qua nhiều bước để đăng ký thành viên, đăng nhập trước khi mua sắm.
Ngoài ra, nhiều phường, khu phố cũng thành lập các nhóm chat trên mạng xã hội, chia sẻ các gói đồ kèm giá để người dân đăng ký. Danh sách này do đại diện khu phố quản lý và người dân đặt mua trong khung giờ quy định. Cuối giờ, danh sách sẽ đóng và đại diện khu phố tập hợp gửi đến các siêu thị trong khu vực để chuẩn bị. Sau 1-2 ngày đặt hàng, người dân sẽ nhận được đồ từ đội hình giao hàng của phường.
Thống kê của Sở Công Thương TP HCM ngày 24/8 cho thấy, các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337 đơn hàng trong tổng số 74.033 đơn từ các hộ đăng ký. Số đơn còn lại sẽ được hệ thống phân phối trong hôm sau. Song song đó, thành phố đã có 274.633 trên 590.859 hộ đăng ký túi an sinh.
Đại diện Sở Công Thương TP HCM cũng cảnh báo tình trạng lừa đi chợ hộ diễn ra trên địa bàn thành phố. “Để đảm bảo và tránh bị lừa đảo, người dân nên liên hệ tổ trưởng tổ dân phố, Hội phụ nữ, đoàn thể phường để đăng ký”, lãnh đạo Sở Công Thương nói.